Tại Việt Nam, doanh nghiệp xã hội đã được công nhận về mặt pháp lý trong Luật Doanh nghiệp 2014 và tiếp tục được kế thừa tại Luật Doanh nghiệp 2020.
Tiêu chí của Doanh nghiệp xã hội:
Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng những tiếu chí sau:
. Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;
. Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
. Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.
Như vậy, một doanh nghiệp là doanh nghiệp xã hội sẽ đáp ứng các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định
Theo đó, doanh nghiệp xã hội sẽ lựa chọn 1 trong 4 loại hình doanh nghiệp sau: Công ty Cổ phẩn,Công ty TNHH, Công ty Hợp danh hay Doanh nghiệp tư nhân. Tiến hành lập hồ sơ theo đúng loại hình đã chọn, thực hiện các thủ tục pháp lý thông thường để thành lập doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý đi vào hoạt động kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
- Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng
Hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp này không phải là mục tiêu trên hết mà thay vào đó là đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu. Mục tiêu xã hội sẽ là phục vụ những yêu cầu xã hội, như xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng bị yếu thế, xử lý vấn đề môi trường, ô nhiễm môi trường, đào tạo cho những người khuyết tật… Đặc điểm này có thể gây nhầm lẫn với các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện hay tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn như hỗ trợ về mặt tài chính cho người nghèo, người lao động thất nghiệp… Trong khi đó, doanh nghiệp xã hội xác định nhóm đối tượng mà doanh nghiệp cần trợ giúp, sau đó tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho họ từ chính lợi nhuận của doanh nghiệp, giải quyết tận gốc các vấn đề xã hội.
- Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký
Doanh nghiệp xã hội sẽ không thực hiện việc phân phối lợi nhuận như những doanh nghiệp thông thường mà sử dụng lợi nhuận đó để tái đầu tư với mục tiêu tiếp tục giải quyết vấn đề xã hội mà doanh nghiệp đề ra. Theo đó, ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp sẽ được dùng để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký. Với con số đó là nhằm mục đích tạo điều kiện cho doanh nghiệp xã hội vừa đảm bảo có nguồn vốn thực hiện mục tiêu, huy động vốn kinh doanh từ các nhà đầu tư.