Tiền lãi gửi ngân hàng của Văn phòng đại diện nước ngoài có phải chịu thuế không?

Chủ đề   RSS   
  • #615110 10/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 10

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (920)
    Số điểm: 14785
    Cảm ơn: 19
    Được cảm ơn 312 lần


    Tiền lãi gửi ngân hàng của Văn phòng đại diện nước ngoài có phải chịu thuế không?

    Văn phòng đại diện, mặc dù không có tư cách pháp nhân, nhưng vẫn có các hoạt động tài chính nhất định. Vậy đối với tiền lãi gửi ngân hàng, Văn phòng đại diện có phải nộp thuế không?

    (1) Văn phòng đại diện nước ngoài là gì?

    Theo khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

    Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Thương mại 2005, thương nhân nước ngoài được đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam; thành lập tại Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định.

    Như vậy, có thể hiểu, văn phòng đại diện nước ngoài là một đơn vị đại diện cho công ty mẹ ở nước ngoài, được lập bởi thương nhân nước ngoài.

    Theo đó, Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam

    (2) Đối tượng nào phải nộp thuế TNDN?

    Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định, người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bao gồm:

    - Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật chứng khoán, Luật dầu khí, Luật thương mại và quy định tại các văn bản pháp luật khác dưới các hình thức: Công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân; các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; các bên trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, xí nghiệp liên doanh dầu khí, công ty điều hành chung;

    - Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;

    - Các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP;

    - Các tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật hợp tác xã;

    - Tổ chức khác ngoài tổ chức quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 2 Nghị định 218/2013/NĐ-CP có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP.

    Như vậy, các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị theo quy định trên có trách nhiệm kê khai, nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có thể thấy, Văn phòng đại diện nước ngoài không được quy định là người nộp thuế TNDN.

    (3) Tiền lãi gửi ngân hàng của Văn phòng đại diện có phải chịu thuế không?

    Liên quan đến vấn đề này, tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP có quy định khoản thu nhập phải nộp thuế TNDN bao gồm:

    Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ bao gồm: Lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn; thu nhập từ bán ngoại tệ; khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính; khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ (riêng chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập mà tài sản cố định này chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính). Đối với khoản nợ phải thu, khoản cho vay có gốc ngoại tệ phát sinh trong kỳ thì chênh lệch tỷ giá hối đoái của các khoản nợ phải thu, khoản cho vay này là khoản chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái tại thời điểm thu hồi nợ với tỷ giá hối đoái tại thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khoản cho vay ban đầu.

    Như vậy, tuy không được quy định là người nộp thuế TNDN nhưng đối với khoản tiền lãi có được từ việc gửi tiền vào ngân hàng (tổ chức tín dụng) thì Văn phòng đại diện nước ngoài lúc này chính là “tổ chức khác” có thu nhập chịu thuế theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Nghị định 218/2013/NĐ-CP.

    Do đó, Văn phòng đại diện nước ngoài phải nộp thuế TNDN đối với tiền lãi gửi ngân hàng.

    (4) Thuế suất TNDN của Văn phòng đại diện nước ngoài là bao nhiêu?

    Theo Điều 10 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, thuế suất đối với thuế TNDN được quy định như sau:

    - Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 20% và thuế suất từ 32% đến 50% quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định 218/2013/NĐ-CP.

    Kể từ ngày 01/01/2016, những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22%  sẽ áp dụng thuế suất 20%.

    - Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, kể cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%.

    Tổng doanh thu năm làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% quy định tại khoản này là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp của năm trước liền kề.

    - Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50%. Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, căn cứ vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ, Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đối với các mỏ tài nguyên bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm áp dụng thuế suất là 50%, trường hợp các mỏ có từ 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định này áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 40%.

    Như vậy, dựa vào quy định trên, hiện nay mức thuế suất đối với thuế TNDN của Văn phòng đại diện nước ngoài là 20%.

     
    87 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận