Tết đến, xuân về là khoảng thời gian mà người lao động trông ngóng nhất vì sau thời gian dài làm việc mong mỏi nhận được sự hỗ trợ, khuyến khích của đơn vị làm việc thông qua cái gọi là "Thưởng Tết". Không ít các doanh nghiệp khiến người lao động bất mãn khi không thưởng tết hoặc có thưởng nhưng không thỏa đáng.
Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?
Theo quy định hiện hành tại Bộ luật lao động 2012 thì luật không bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng tết cho người lao động
Điều 103 BLLĐ 2012 quy định về Tiền thưởng như sau:
1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Thực tế, có một số trường hợp doanh nghiệp hứa thưởng nhưng cuối năm lại không thưởng như lời hứa ban đầu thì rất dễ xảy ra tranh chấp và gây bất mãn với người lao động.
Thông thường, nếu có thưởng thì người sử dụng lao động cũng không đưa vào hợp đồng lao động vì tính không bắt buộc và nó còn phụ thuộc vào cả doanh thu của doanh nghiệp trong năm.
Vì vậy người lao động cần chú ý, việc thưởng tết của doanh nghiệp là ý chí của mỗi doanh nghiệp để khuyến khích lao động tăng gia sản xuất, nâng cao năng suất lao động, trường hợp có thỏa thuận theo ý kiến của mình nếu không có giấy trắng, mực đen (hợp đồng hay văn bản thỏa thuận) rõ ràng thì khó mà bắt buộc nếu doanh nghiệp không thực hiện lời hứa ban đầu.