Ngày nay, các đối tượng xấu thường có nhiều thủ đoạn tinh vi, cụ thể nhiều đối tượng thường dùng chiêu trò thuê ô tô tự lái rồi đem cầm cố vào các tiệm cầm đồ. Tình trạng này khiến cho các chủ xe cho thuê xe tự lái gặp nhiều rủi ro, vậy pháp luật quy định như thế nào về hành vi này?
Các đối tượng xấu thuê xe tự lái rồi đem đi cầm này thường dùng các thủ thuật làm giấy tờ giả để qua mặt các chủ tiệm cầm đồ, đối với các tiệm cầm đồ non kinh nghiệm sẽ dễ rơi vào bẫy của các đối tượng này khiến tiền mất, tật mang.
Hiện nay rất nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng việc thuê các xe tự lái nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ xe rồi đem đi cầm cố ở các tiệm cầm đồ.
Thông thường, các chủ xe thường bắt các đối tượng này nộp lại Giấy chứng minh/ Căn cước công dân và ký hợp đồng thuê và không giao các giấy tờ xe liên quan.
Tuy nhiên với công nghệ máy móc hiện đại, thì các đối tượng này sẽ sử dụng các chiêu trò làm giả giấy tờ xe, với tên và chứng minh của mình hoặc của người khác rồi nhờ đem vào các tiệm cầm đồ để thế chấp.
Trình tự thủ đoạn của các đối tượng này như sau:
Bước 1: Thuê xe tự lái tại các dịch vụ cho thuê xe bằng giấy tờ thật hoặc giả.
Bước 2: Làm giả giấy tờ xe, và các giấy tờ tùy thân.
Bước 3: Đem xe đến các tiệm cầm đồ vay với số tiền tối đa có thể.
Bước 4: Nếu thành công, chúng sẽ bỏ trốn và thiệt hại để lại chủ xe và chủ tiệm cầm đồ tự giải quyết.
Do đó, các tiệm cầm đồ và chủ xe nên cẩn thận trước những đối tượng lừa đảo. Kiểm tra giấy tờ cụ thể xem có chính chủ hay không trước khi quyết định cho thuê hoặc nhận cầm xe ô tô.
Xử lý vi phạm thuê xe tự lái rồi đem cầm cố
Không phải tài sản cá nhân mà đem đi cầm cố/mua bán là đã vi phạm pháp luật. Theo đó, căn cứ pháp lý là Điều 175 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định cụ thể như sau:
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Khung hình phạt cao nhất đối với Tội này có thể bị phạt lên đến 20 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy có nghĩa là về hành vi này có thể cấu thành nên tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi 2017.
Hồ sơ trình báo bao gồm những gì?
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể làm hồ sơ trình báo lên cơ quan công an điều tra nơi bạn đang cư trú. Theo đó, hồ sơ bao gồm:
- Đơn trình báo công an
- Chứng minh thư nhân dân của bạn bản sao phô tô công chứng
- Sổ hộ khẩu của bạn bản sao phô tô công chứng
- Hợp đồng cho thuê xe bản sao phô tô công chứng
- Những căn cứ khác chứng minh hành vi chiếm đoạt tài sản khác kèm theo hồ sơ.