Tỉ lệ nội quy lao động được đăng kí mới trên tổng số doanh nghiệp tăng thêm hàng năm rất thấp.
Điển hình như TP.HCM là thành phố lớn, có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động, sử dụng nhiều lao động nhưng việc xây dựng và đăng kí nội quy lao động có nhiều hạn chế.Theo quy định hiện hành, những đơn vị mới thành lập sau sáu tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải đăng ký bản nội quy lao động tại Sở Lao động Thương binh - Xã hội và có hiệu lực kể từ ngày được đăng ký tại Sở Lao động Thương binh - Xã hội. Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản nội quy lao động, Sở Lao động Thương binh - Xã hội phải thông báo việc đăng ký. Nếu hết thời hạn này mà không có thông báo, thì bản nội quy lao động đương nhiên có hiệu lực.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đăng ký nội quy lao động không “nhẹ nhàng” như luật định mà nó thực sự khiến các doanh nghiệp e ngại. Nội quy lao động là để áp dụng nội bộ trong doanh nghiệp, tuy nhiên đối với một số doanh nghiệp nó còn chịu sự ảnh hưởng của nhiều quy định, chính sách của công ty mẹ ở nước ngoài. Thế nhưng khi nội quy lao động được soạn thảo để đăng ký thì doanh nghiệp phải gọt giũa, cắt bỏ một số điều được cho là không cụ thể hoặc là dễ gây hiểu lầm theo quan điểm của Sở Lao động Thương binh - Xã hội.
Người sử dụng lao động muốn soạn nội quy lao động bảo vệ tối đa quyền lợi của họ còn Sở Lao động Thương binh - Xã hội lại muốn bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động và tạo sự dễ dàng trong công tác quản lý, hạn chế tranh chấp và giúp cho việc giải quyết tranh chấp (nếu có) xảy ra được rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, việc ra thông báo về việc đăng ký nội quy lao động không mấy khi theo luật định. Người sử dụng lao động không dám mạo hiểm xem bản nội quy lao động nộp cho Sở Lao động Thương binh - Xã hội nếu sau 10 ngày không nhận được thông báo là có hiệu lực. Vậy nên, người sử dụng lao động cứ thấp thỏm chờ đợi để sửa đổi và chờ đợi được chấp thuận.