Thừa phát lại tại Cộng hòa Pháp là một nghề truyền thống có từ rất lâu. Dưới thời kỳ quân chủ, thậm chí thời kỳ Cách mạng năm 1792 và cả thời Đế chế thứ nhất, nghề Thừa phát lại luôn được hưởng một quy chế nhất định, vì các văn bản do Thừa phát lại lập ra bị đánh thuế rất cao và tạo ra một nguồn thu thập đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Công việc thừa phát lại được làm: Về phạm vi công việc Thừa phát lại được làm là khá rộng, bao gồm nhóm công việc truyền thống - độc quyền và nhóm công việc không độc quyền:
Các hoạt động chính hoặc hoạt động truyền thống hay độc quyền của Thừa phát lại: Đó là các hoạt động thuộc thẩm quyền chuyên biệt của Thừa phát lại mà chỉ có Thừa phát lại mới có quyền tiến hành, gồm hoạt động tống đạt văn bản và thi hành án. Thừa phát lại phải thực hiện chức năng của mình khi có yêu cầu và người nào từ chối thực hiện nhiệm vụ thì có thể bị xử phạt rất nặng, chưa kể đến các thiệt hại có thể phải bồi thường nếu người yêu cầu bị thiệt hại ví dụ do chậm trễ nên không thể tiến hành được thủ tục mà mình muốn thực hiện.
Các hoạt động không thuộc diện độc quyền của Thừa phát lại: Ngoài các hoạt động độc quyền, Thừa phát lại còn được làm một số công việc khác: Lập vi bằng; thực hiện một số công việc tại Tòa; bán đấu giá tài sản; thực hiện các hoạt động phụ trợ khác.
Chi phí, thù lao thừa phát lại: Do là một nghề tự do và độc lập, nên Thừa phát lại phải cân đối các khoản thu chi của mình đảm bảo để có lợi nhuận để trả tiền thù lao cho chính mình hay cho các thành viên trong công ty dân sự nghề nghiệp hoặc công ty hành nghề tự do chủ sở hữu văn phòng Thừa phát lại lập. Thù lao của Thừa phát lại do cơ quan lập quy ban hành trên cơ sở thống nhất với các cơ quan của Bộ Tư pháp và đại diện của Hội đồng thừa phát lại quốc gia.
(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo khảo sát của Đoàn công tác liên ngành tìm hiểu mô hình Thừa phát lại tại Cộng hòa Pháp, 7/2015)