Hỗ trợ người lao động tạo, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở thời điểm đất nước mở cửa và hội nhập hiện nay.
Hướng tới mục tiêu phát triển đó, Nhà nước đã có những ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tạo, duy trì và mở rộng việc làm,
Vậy làm thế nào để được hưởng các ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi cho vay vốn khi mình thuộc một trong các đối tượng của chính sách hỗ trợ này?
Trước tiên, bạn cần phải xác định, mình thuộc nhóm đối tượng nào, người lao động làm việc tại Việt Nam, hay người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xác định mình thuộc nhóm đối tượng nào để chuẩn bị hồ sơ đề nghị vay vốn tương ứng.
Nếu bạn là người lao động làm việc tại Việt Nam
1. Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã về việc cư trú hợp pháp. (Mẫu số 1 tại file đính kèm)
2. Bản sao giấy tờ chứng minh người lao động thuộc đối tượng ưu tiên:
- Đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là bản sao CMND hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân và xác nhận của UBND cấp xã trong giấy đề nghị vay vốn quy định nêu trên.
- Đối với người khuyết tật là bản sao giấy xác nhận khuyết tật do UBND cấp xã cấp.
Nếu bạn đại diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh
1. Dự án vay vốn. (Mẫu số 2 tại file đính kèm)
2. Bản sao giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng ưu tiên:
- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật là bản sao giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp.
- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số là bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân của những người lao động là người dân tộc thiểu số.
- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số là bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân của những người lao động là người dân tộc thiểu số, bản sao giấy xác nhận khuyết tật của những người lao động là người khuyết tật do UBND xã cấp.
3. Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, hợp đồng hợp tác, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Nếu bạn là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Giấy đề nghị vay vốn. (Mẫu số 3 tại file đính kèm)
2. Bản sao giấy tờ chứng minh người lao động thuộc đối tượng quy định:
- Đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo là bản sao giấy chứng nhận hộ cận nghèo do UBND cấp xã cấp.
- Đối với người lao động là thân nhân người có công với cách mạng là bản sao giấy xác nhận thân nhân người có công với cách mạng do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp thuộc một trong các đối tượng sau:
+ Vợ (chồng), con của liệt sỹ.
+ Vợ (chồng), con của thương binh,bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh.
+ Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động.
+ Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học.
+ Con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.
+ Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
+ Con của người có công giúp đỡ cách mạng.
Xem thêm tại dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP về hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm.