Trường hợp Cần trích lục khai sinh cho người sinh năm 1962 tại Thái Nguyên,
Người này hiện đang sinh sống ở Sài Gòn, và gia đình đã vào Nam từ rất lâu, không còn ai ở Thái Nguyên nữa.
Hiện trạng: Không có giấy tờ bản gốc chỉ có 1 bản sao giấy khai sinh chụp từ bản sao y bản chính.
Vậy cần làm lại giấy tờ cá nhân như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 63 Luật hộ tịch 2014 thì cá nhân có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký. Nếu trong sổ hộ tịch của UBND xã/ phường nơi trước đây người này làm thủ tục đăng ký khai sinh còn lưu giữ sự kiện khai sinh này thì người này có thể xin trích lục giấy khai sinh.
Hồ sơ:
- Tờ khai theo mẫu quy định; (Tờ khai trích lục khai sinh được quy định tại Công văn 1288/HTQTCT-HT năm 2016 điều chỉnh biểu mẫu hộ tịch kèm theo Thông tư 15/2015/TT-BTP do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành)
- Văn bản ủy quyền (nếu có);
- Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh nhân dân (trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính).
- Xuất trình: Bản chính giấy tờ tùy thân để chứng minh về nhân thân (đối với cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp). Trường hợp này là bản sao giấy khai sinh chụp từ bản sao y bản chính của người này.
Thủ tục: Người có yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã.
Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch trực tiếp hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Trường hợp ủy quyền cho người khác làm thủ tục dùm thì phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Nếu ủy quyền cho ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột thì văn bản ủy quyền không cần công chứng, chứng thực nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ.
Công chức tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ và chuyển cho người có thẩm quyền. Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì sẽ yêu cầu bổ sung hoàn thiện theo quy định.