Đối với trường hợp tài sản chìm đắm để trục vớt phải trình phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm như thế nào? Cần chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ gì để phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm
Trình tự phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm
- Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Nghị định 05/2017/NĐ-CP 01 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm.
- Cơ quan có thẩm quyền bao gồm:
+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm và quyết định tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm là di sản văn hóa, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải;
+ Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm và quyết định tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm liên quan đến quốc phòng và tài sản chìm đắm trong khu vực quân sự;
+ Bộ Công an chủ trì tổ chức phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm và quyết định tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm liên quan đến an ninh quốc gia;
+ Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm gây nguy hiểm, quyết định tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm gây nguy hiểm như sau:
Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm không xác định được chủ sở hữu, tài sản chìm đắm thuộc sở hữu nhà nước và tài sản chìm đắm do Cảng vụ tổ chức trục vớt. Trước khi phê duyệt phương án trục vớt, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải báo cáo và nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải;
Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc đơn vị quản lý đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cảng vụ hàng hải đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm xác định được chủ sở hữu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, trong vùng nước cảng biển hoặc vùng biển Việt Nam do chủ sở hữu tài sản chìm đắm tổ chức trục vớt.
+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì tổ chức phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm và quyết định tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm không thuộc phạm vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 12 Nghị định 05/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 của Chính phủ và phân cấp cho các cơ quan sau đây thực hiện:
Sở Giao thông vận tải phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa địa phương đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm không xác định được chủ sở hữu hoặc thuộc sở hữu nhà nước và tài sản chìm đắm do đơn vị quản lý đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải tổ chức trục vớt;
Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc đơn vị quản lý đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải phê duyệt đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm đã xác định được chủ sở hữu tài sản chìm đắm.
Trường hợp hồ sơ nhận được không hợp lệ thì chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải hướng dẫn người nộp hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải có văn bản phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm và gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng hình phức phù hợp khác đến tổ chức, cá nhân; trường hợp không phê duyệt phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
- Đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức phê duyệt phương án trục vớt trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ thời điểm nhận được hồ sơ hợp lệ; đối với trường hợp tài sản chìm đắm gây nguy hiểm không xác định được chủ sở hữu, tài sản chìm đắm thuộc sở hữu nhà nước và tài sản chìm đắm do Cảng vụ tổ chức trục vớt thì thời hạn này không quá 48 giờ.
Thành phần hồ sơ thực hiện phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm
- Tờ khai phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm theo mẫu;
- Phương án trục vớt tài sản chìm đắm, gồm các nội dung cơ bản sau:
+ Tên, số lượng, loại tài sản chìm đắm;
+ Số lượng, loại hàng chở trên tàu (nếu là tàu thuyền);
+ Khối lượng nhiên liệu trên tàu (nếu là tàu thuyền);
+ Căn cứ tổ chức việc trục vớt;
+ Kết quả thực hiện phương án thăm dò tài sản chìm đắm (nếu có);
+ Địa điểm tài sản bị chìm đắm;
+ Dự kiến thời gian bắt đầu và thời hạn trục vớt;
+ Phương tiện tham gia và biện pháp trục vớt;
+ Biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình trục vớt;
+ Biện pháp bảo đảm an toàn lao động trong quá trình trục vớt;
+ Biện pháp bảo quản tài sản bị chìm đắm sau khi được trục vớt;
+ Bàn giao tài sản được trục vớt;
+ Biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
+ Biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường;
+ Biện pháp phòng, chống cháy, nổ;
+ Dự toán chi phí trục vớt;
+ Đơn vị thực hiện trục vớt.
Đối với phương án trục vớt do chủ sở hữu tài sản lập và thực hiện trục vớt thì phương án không bao gồm nội dung dự toán chi phí trục vớt.
- Các tài liệu, giấy tờ cần thiết khác có liên quan (nếu có).
=>> Trên đây là trình tự thủ tục cũng như hồ sơ cần có để thực hiện phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm