Trường hợp công ty muốn nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan, sau đó chuyển quyền sở hữu hàng hóa này cho bên khác thì thủ tục hải quan như thế nào?
1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan:
Trường hợp nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài đưa vào ngoại quan thì thủ tục thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC), cụ thể như sau:
- Trách nhiệm của người khai hải quan:
+ Khai tờ khai hải quan nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại Phụ lục II và quy định tại khoản 1 Điều 51c Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC).
Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP), người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hải quan nhập khẩu theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC).
+ Nộp 01 bản chụp vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật (trừ hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ).
+ Nộp 01 bản chụp Giấy chứng nhận mã số tạm nhập tái xuất của Bộ Công Thương đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương.
+ Nộp 01 bản chính Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Trường hợp cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành gửi Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.
- Trách nhiệm của Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan:
Thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại mục 3 Chương II và các công việc theo quy định tại điểm a.1 khoản 4 Điều 51c Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC).
- Ngày hàng hóa đưa vào kho ngoại quan là ngày cơ quan hải quan cập nhật thông tin đến đích của lô hàng nhập khẩu trên Hệ thống.
- Hàng hóa gửi kho ngoại quan để xuất đi nước khác theo quy định phải có Giấy chứng nhận mã số tạm nhập tái xuất của Bộ Công Thương thì chỉ được gửi kho ngoại quan tại tỉnh, thành phố nơi cửa khẩu nhập hoặc cửa khẩu xuất.
- Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan chỉ được nhập khẩu qua các cửa khẩu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương.
2. Chuyển quyền sở hữu hàng hóa gửi kho ngoại quan:
Việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa gửi kho ngoại quan được quy định tại khoản 8 Điều 91 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC).
Theo đó, việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa gửi kho ngoại quan do chủ hàng hóa thực hiện khi có hành vi mua bán hàng hóa theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005. Chủ kho ngoại quan có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan về việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa đang gửi kho ngoại quan để quản lý theo dõi, không phải làm thủ tục nhập, xuất kho ngoại quan. Thời hạn hàng hóa gửi kho ngoại quan được tính kể từ ngày hàng hóa đưa vào kho ngoại quan theo hợp đồng thuê kho ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng cũ.