Hiện nay, các sản phẩm của người ngoài được nhập khẩu và lưu hành tại thị trường Việt Nam rất nhiều. Vậy doanh nghiệp nước ngoài khi muốn quảng cáo sản phẩm tại Việt Nam khi không có trụ sở tại Việt Nam sẽ thực hiện quảng cáo thế nào?
1. Quảng cáo của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam
Căn cứ theo Điều 39 Luật quảng cáo 2012 thì tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam theo quy định Luật quảng cáo. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam phải thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam thực hiện.
Doanh nghiệp nước ngoài nếu không hoạt động tại Việt Nam nếu cần quảng cáo thì sẽ phải thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam thực hiện.
2. Văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài
Căn cứ theo Điều 41 Luật quảng cáo 2012 quy định về Văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam:
Doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Văn phòng đại diện được hoạt động khi có giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp nước ngoài đề nghị thành lập văn phòng đại diện.
Văn phòng đại diện chỉ được xúc tiến quảng cáo, không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tuy nhiên lưu ý văn phòng đại diện chỉ được xúc tiến quảng cáo mà không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
3. Hồ sơ và thủ tục đăng ký thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện bao gồm:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện do người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài ký theo mẫu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
Bản sao giấy đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương của doanh nghiệp nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi doanh nghiệp thành lập hoặc đăng ký kinh doanh xác nhận;
Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc các tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh được sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;
Các giấy tờ quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản này phải dịch ra tiếng Việt và được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng thực và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trình tự thủ tục:
Doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài nộp trực tiếp 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt Văn phòng đại diện;
Trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện và gửi bản sao giấy phép đó đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ;
Trong thời hạn 45 (bốn mươi lăm) ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép, Văn phòng đại diện phải hoạt động và có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thời điểm bắt đầu hoạt động, địa điểm đặt trụ sở, số người Việt Nam, số người nước ngoài làm việc tại Văn phòng đại diện, nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện.
Như vậy, doanh nghiệp nước ngoài khi có nhu cầu quảng cáo sản phẩm tại Việt Nam nhưng không có trụ sở tại Việt Nam cần thực hiện việc quảng cáo theo các quy định như trên.