Hiện nay, nền kinh tế - xã hội nước ta phát triển mạnh tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, vì thế dân nhập cư từ các tỉnh, thành phố lân cận tại 3 thành phố lớn này khá cao. Nhu cầu học tập và làm việc đòi hỏi những con người xa quê phải có những thích nghi mới tại các thành phố lớn này.
Không ít bạn có mong muốn hoặc có nhu cầu muốn có hộ khẩu thành phố bởi rất nhiều lý do. Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn thủ tục chuyển KT3 thành hộ khẩu.
>>> KT1, KT2, KT3, KT4 là gì?
A. Xác định mình có đủ điều kiện được chuyển KT3 sang sổ hộ khẩu không?
Để được chuyển KT3 sang sổ hộ khẩu, bạn phải thuộc một trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 01 năm trở lên. Trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 02 năm trở lên.
- Riêng tại Hà Nội phải có thời gian đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê. (diện tích bình quân hiện nay là 15m2/đầu người)
Trường hợp 2: Được người có sổ hộ khẩu tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc các trường hợp:
- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con.
- Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột.
- Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ.
- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ.
- Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột.
- Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.
Trường hợp 3: Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp.
Trường hợp 4: Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình.
Lưu ý:
- Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
- Thời hạn tạm trú liên tục được tính từ ngày công dân đăng ký tạm trú đến ngày công dân nộp hồ sơ đăng ký thường trú.
- Các trường hợp 1,3 và 4 đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện:
+ Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố. Điển hình trong năm 2015 ở Hà Nội, diện tích bình quân tối thiểu là 15m2/đầu người.
+ Có xác nhận của UBND cấp xã về điều kiện diện tích bình quân.
+ Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
B. Sau khi xác định mình đủ điều kiện được chuyển KT3 thành sổ hộ khẩu, bạn cần phải chuẩn bị hồ sơ sau:
1. Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
2. Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu).
3. Giấy chuyển hộ khẩu ( trong trường hợp phải chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh)
4. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Là một trong các loại giấy tờ sau:
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở qua các thời kỳ.
+ Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở (đã có nhà ở trên đất đó).
+ Giấy phép xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép).
+ Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
+ Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán.
+ Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã.
+ Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác.
+ Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật.
+ Giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên.
+ Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở. Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của UBND cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.
+ Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).
Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của UBND cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của HĐND thành phố trực thuộc Trung ương.
Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của UBND cấp xã về mối quan hệ nêu trên.
Lưu ý: Với các đối tượng được nêu sau sẽ phải bổ sung thêm các giấy tờ tương ứng:
- Trẻ em khi đăng ký thường trú phải có giấy khai sinh.
- Người chưa thành niên nếu không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của UBND cấp xã.
- Người được cơ quan, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung khi đăng ký thường trú thì cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị.
Trường hợp được cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung thì cá nhân đó có văn bản đề nghị có xác nhận của UBND cấp xã. Văn bản đề nghị cần nêu rõ các thông tin cơ bản của từng người như sau: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nguyên quán, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, số CMND, nơi thường trú trước khi chuyển đến, địa chỉ chỗ ở hiện nay.
- Người sinh sống tại cơ sở tôn giáo khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ chứng minh là chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo, khi đăng ký thường trú tại các cơ sở tôn giáo phải có giấy tờ chứng minh việc thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo theo quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài, giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị hoặc không có hộ chiếu nhưng có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp nay trở về Việt Nam thường trú, khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ hồi hương do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp (nếu người đó ở nước ngoài) hoặc văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (nếu người đó đang tạm trú ở trong nước), kèm theo giấy giới thiệu do Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh nơi người đó xin thường trú cấp.
- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị sử dụng trở về Việt Nam thường trú khi đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu có dấu kiểm chứng của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.
- Người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân, viên chức Công an nhân dân ở trong doanh trại của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân khi đăng ký thường trú ngoài doanh trại thì phải có giấy giới thiệu hoặc xác nhận của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp (ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của đơn vị mình). Trường hợp đã đăng ký thường trú ngoài doanh trại khi thay đổi nơi đăng ký thường trú phải có giấy chuyển hộ khẩu.
- Cá nhân được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chữ ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
C. Khi đã chuẩn bị đủ hồ sơ nêu trên, thủ tục thực hiện như sau:
Bạn nộp hồ sơ tại cơ quan công an:
- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.
- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
D. Thời hạn đăng ký thường trú
- Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì người thay đổi chỗ ở hợp pháp hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới.
- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ hộ khẩu, người được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ của mình hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú.
- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó.
E. Phí, lệ phí
- Đăng ký thường trú cho cả hộ hoặc một người: không quá 15.000 đồng/lần đăng ký.
- Cấp mới, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú: không quá 20.000 đồng/lần cấp.
Căn cứ pháp lý:
- Luật cư trú 2006.
- Luật cư trú sửa đổi 2013.
- Luật thủ đô 2012.
- Nghị định 31/2014/NĐ-CP.
- Thông tư 35/2014/TT-BCA.
- Thông tư 02/2014/TT-BTC.
- Nghị quyết 11/2013/NQ-HĐND Thành phố Hà Nội.