Thủ tục Cấp chứng minh thư cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam

Chủ đề   RSS   
  • #605214 05/09/2023

    thuytrangak
    Top 75
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:30/08/2017
    Tổng số bài viết (916)
    Số điểm: 7760
    Cảm ơn: 86
    Được cảm ơn 175 lần


    Thủ tục Cấp chứng minh thư cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam

    Ngày 23/8/2023 Bộ Ngoại giao ban hành Quyết định 2286/QĐ-BNG năm 2023 về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực ưu đãi, miễn trừ ngoại giao thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Ngoại giao.

     Theo đó, thủ tục cấp chứng minh thư cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại mục 1 Phần 2 Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 2286/QĐ-BNG năm 2023 như sau:

    1. Trình tự thực hiện

    - Bộ Ngoại giao (Cục Lễ tân Nhà nước/Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp chứng minh thư cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên gia đình, người giúp việc.

    - Bộ Ngoại giao (Cục Lễ tân Nhà nước/Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh) kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ và yêu cầu bổ sung (nếu cần).

    - Trong thời gian 10-15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Ngoại giao (Cục Lễ tân Nhà nước/Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh) trả ra kết quả là chứng minh thư cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam bằng hình thức trực tiếp.

    2. Cách thức thực hiện

    - Đối với các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Hà Nội: đăng ký và khai hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của Bộ Ngoại giao, nộp hồ sơ trực tiếp/gửi qua dịch vụ bưu chính đến Cục Lễ tân Nhà nước.

    - Đối với các cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào): đăng ký và khai hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của Bộ Ngoại giao, nộp hồ sơ trực tiếp/gửi qua dịch vụ bưu chính đến Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.

    3. Thành phần, số lượng hồ sơ

    - Công hàm đề nghị của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam: 01 bản gốc bằng tiếng nước cử/tiếng Anh và 01 bản dịch tiếng Việt.

    - Hộ chiếu: bản gốc.

    - 01 ảnh màu 3x4cm.

    4. Thời hạn giải quyết

    - Đối với thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Hà Nội là 10 ngày kể từ ngày Bộ Ngoại giao (Cục Lễ tân Nhà nước) nhận đủ hồ sơ đúng quy định.

    - Đối với thành viên cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh là 10 ngày kể từ ngày Bộ Ngoại giao (Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh) nhận đủ hồ sơ đúng quy định.

    - Đối với thành viên cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Đà Nẵng và các địa phương khác là 15 ngày kể từ ngày Bộ Ngoại giao (Cục Lễ tân Nhà nước/Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh) nhận đủ hồ sơ đúng quy định.

    5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính

    - Chứng minh thư ngoại giao cấp cho các đối tượng:

    + Các viên chức ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao mang hộ chiếu ngoại giao có ghi hàm ngoại giao, trong trường hợp hộ chiếu không ghi hàm ngoại giao phải có công hàm giới thiệu của cơ quan đại diện.

    + Trưởng, Phó Đại diện của cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mang giấy thông hành của Liên hợp quốc hoặc hộ chiếu quốc gia (không phân biệt loại hộ chiếu gì) có ghi rõ chức vụ Trưởng hoặc Phó Đại diện cơ quan, trong trường hợp giấy thông hành của Liên hợp quốc hoặc hộ chiếu quốc gia không ghi rõ chức vụ phải có công hàm giới thiệu của cơ quan đại diện.

    + Những viên chức ngoại giao có hàm ngoại giao thuộc biên chế của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Hà Nội được biệt phái vào làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyên trách kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học-kỹ thuật....

    + Vợ (hoặc chồng) và con (con đẻ, con nuôi) từ 14 đến 18 tuổi của các viên chức nêu trên, có hộ chiếu riêng (không phân biệt loại hộ chiếu gì) cùng sống chung với họ thành một hộ, trên cơ sở công hàm đề nghị Bộ Ngoại giao nước cử hoặc cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

    + Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của các nước tại Việt Nam nhưng không thường xuyên cư trú ở Việt Nam (Đại sứ kiêm nhiệm Việt Nam).

    - Chứng minh thư lãnh sự cấp cho các đối tượng:

    + Viên chức lãnh sự của cơ quan lãnh sự đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác mang hộ chiếu ngoại giao có ghi hàm cấp lãnh sự, trong trường hợp hộ chiếu không ghi hàm cấp lãnh sự phải có công hàm giới thiệu của cơ quan đại diện.

    + Những viên chức ngoại giao có hàm ngoại giao chuyên trách về kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học-kỹ thuật... thuộc biên chế của cơ quan lãnh sự tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác.

    + Vợ (hoặc chồng) và con (con đẻ, con nuôi) từ 14 đến 18 tuổi của các viên chức nêu trên cùng sống chung với họ thành một hộ, có hộ chiếu riêng (không phân biệt loại hộ chiếu gì).

    - Chứng minh thư lãnh sự danh dự cấp cho lãnh sự danh dự.

    - Chứng minh thư lãnh sự và chứng minh thư lãnh sự danh dự có ghi khu vực lãnh sự để chỉ rõ phạm vi hoạt động của viên chức lãnh sự.

    - Chứng minh thư công vụ cấp cho các đối tượng:

    + Nhân viên hành chính và kỹ thuật của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ hoặc hộ chiếu phổ thông (nếu nước cử không có hộ chiếu công vụ hoặc chỉ có một loại hộ chiếu chung cho công dân);

    + Vợ (hoặc chồng) và con (con đẻ, con nuôi) từ 14 đến 18 tuổi của các nhân viên nêu trên, có hộ chiếu riêng (không phân biệt mang loại hộ chiếu gì), cùng sống chung với họ thành một hộ, trên cơ sở công hàm đề nghị của Bộ Ngoại giao nước cử hoặc cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

    - Chứng minh thư phổ thông cấp cho các đối tượng:

    + Nhân viên phục vụ của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mang hộ chiếu phổ thông.

    + Vợ (hoặc chồng) và con (con đẻ, con nuôi) của các nhân viên nêu trên, có hộ chiếu riêng, cùng sống chung với họ thành một hộ.

    + Những người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ Quốc tịch Việt Nam, nhưng mang hộ chiếu nước ngoài (không phân biệt loại hộ chiếu gì), được cử làm viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự, hoặc nhân viên hành chính và kỹ thuật, nhân viên lãnh sự của nước ngoài.

    + Vợ (hoặc chồng) và con (con đẻ, con nuôi) của những người Việt Nam nêu trên, mang hộ chiếu nước ngoài (không phân biệt loại hộ chiếu gì), cùng sống chung thành một hộ.

    + Con của các viên chức ngoại giao, con của viên chức lãnh sự, con của Trưởng, Phó Đại diện của tổ chức quốc tế, con của nhân viên hành chính và kỹ thuật từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt mang loại hộ chiếu gì.

    + Người giúp việc cho thành viên cơ quan đại diện là người nước ngoài, không phân biệt mang loại hộ chiếu gì.

    Xem chi tiết nội dung tại Quyết định 2286/QĐ-BNG ngày 23/8/2023.

     
    207 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận