Thủ tục bổ nhiệm người phụ trách an toàn khi vận hành thiết bị bức xạ X-ray

Chủ đề   RSS   
  • #606741 10/11/2023

    Thủ tục bổ nhiệm người phụ trách an toàn khi vận hành thiết bị bức xạ X-ray

    Việc bổ nhiệm người phụ trách an toàn khi vận hành thiết bị bức xạ X-ray là một trong những việc phải làm để được cấp cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ - Sử dụng nguồn phóng xạ.

    Như vậy thủ tục này được quy định như thế nào?

    Trách nhiệm của nhân viên bức xạ khi vận hành thiết bị bức xạ X-ray là gì?

    Căn cứ Điều 27 của Luật Năng lượng nguyên tử 2008 về trách nhiệm của nhân viên bức xạ:

    Nhân viên bức xạ là người làm việc trực tiếp với bức xạ, được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và nắm vững quy định của pháp luật về an toàn, có trách nhiệm chính sau đây:

    + Thực hiện quy định của pháp luật và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, hướng dẫn về an toàn phù hợp với mỗi hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

    + Sử dụng phương tiện theo dõi liều chiếu xạ và phương tiện bảo vệ khi tiến hành công việc bức xạ, khám sức khỏe định kỳ theo chỉ dẫn của người phụ trách an toàn; từ chối làm việc khi điều kiện bảo đảm an toàn không đầy đủ, trừ trường hợp tham gia khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;

    + Báo cáo ngay cho người phụ trách an toàn hiện tượng bất thường về an toàn, an ninh trong việc tiến hành công việc bức xạ;

    + Thực hiện biện pháp khắc phục sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân theo chỉ dẫn của người phụ trách an toàn.

    - Người phụ trách an toàn là nhân viên bức xạ có chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững quy định của pháp luật về an toàn, có trách nhiệm chính sau đây:

    + Giúp người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ thực hiện quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 26 của Luật này;

    + Giúp người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ xây dựng và tổ chức thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết để tuân thủ các điều kiện về an toàn, an ninh;

    + Thường xuyên liên lạc với các cá nhân, bộ phận lưu giữ, sử dụng nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân trong phạm vi trách nhiệm của mình; thực hiện tư vấn và hướng dẫn về bảo đảm an toàn; thường xuyên kiểm tra tình trạng an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

    + Báo cáo người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về an toàn, an ninh, khi có sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;

    + Lập và lưu giữ hồ sơ liên quan đến an toàn, an ninh.

    Người phụ trách an toàn khi vận hành thiết bị bức xạ X-ray được bổ nhiệm như thế nào?

    Căn cứ điểm k tiểu mục 1 mục A Phần II Quyết định số 546/QĐ-BKHCN năm 2022 về yêu cầu, điều kiện về nhân lực khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ - Sử dụng nguồn phóng xạ:

    - Nhân viên bức xạ phải có Giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ phù hợp với công việc bức xạ;

    - Có người phụ trách an toàn. Người phụ trách an toàn phải có Chứng chỉ nhân viên bức xạ và được bổ nhiệm bằng văn bản trong đó quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn theo khoản 2 Điều 27 của Luật Năng lượng nguyên tử

    Như vậy, văn bản bổ nhiệm người phụ trách an toàn phải quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn theo khoản 2 Điều 27 của  Luật Năng lượng nguyên tử 2008 trích dẫn trên.

    Thủ tục cấp giấy phép khi vận hành thiết bị bức xạ X-ray 

    Căn cứ tiểu mục 1 mục A Phần II Quyết định số 546/QĐ-BKHCN năm 2022 công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về Thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ - Sử dụng nguồn phóng xạ

    * Trình tự thực hiện:

    Bước 1 : Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ - sử dụng nguồn phóng xạ đến Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Cục ATBXHN).[3]

    Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục ATBXHN kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản mức phí đối với hồ sơ hợp lệ và phí, lệ phí (nếu có) hoặc thông báo bằng văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ.

    Bước 3: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và phí, lệ phí (nếu có), Cục ATBXHN tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ - sử dụng nguồn phóng xạ.

    Trường hợp không cấp giấy phép, Cục ATBXHN trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    * Cách thức thực hiện: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ - sử dụng nguồn phóng xạ theo một trong các cách thức sau:

    - Trực tuyến tại cổng dịch vụ công của Bộ KH&CN (trừ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN);

    - Trực tiếp tại Bộ phận một cửa hoặc thông qua dịch vụ bưu chính đến Cục ATBXHN.

    * Thành phần, số lượng hồ sơ:

    - Thành phần hồ sơ:

    + Đơn đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ (Mẫu kèm theo).

    + Bản sao của một trong các loại giấy tờ sau: Quyết định thành lập tổ chức, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, các loại giấy tờ khác có giá trị tương đương. Trường hợp giấy tờ bị thất lạc phải có xác nhận của cơ quan ban hành hoặc cấp loại giấy tờ đó.

    + Phiếu khai báo nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn (Mẫu kèm theo).

    + Bản sao Chứng chỉ nhân viên bức xạ của người phụ trách an toàn. Trường hợp người phụ trách an toàn chưa có chứng chỉ, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ nhân viên bức xạ theo quy định tại Điều 35 của Nghị định 142/2020/NĐ-CP cùng hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

    + Bản sao Giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ của nhân viên bức xạ.

    + Bản sao văn bằng hoặc chứng nhận đào tạo về vật lý y khoa đối với nhân viên vật lý y khoa của cơ sở y học hạt nhân.

    + Phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở (Mẫu kèm theo).

    + Bản sao tài liệu của nhà sản xuất có thông tin về nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở như trong phiếu khai báo. Trường hợp không có tài liệu của nhà sản xuất về các thông tin này, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải nộp kết quả xác định tên đồng vị và hoạt độ của nguồn phóng xạ.

    + Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị PET/CT, SPECT/CT đối với trường hợp nguồn phóng xạ hở kèm theo thiết bị.

    + Báo cáo đánh giá an toàn (Mẫu kèm theo).

    + Bản sao Biên bản kiểm xạ.

    + Kế hoạch ứng phó sự cố (mẫu kèm theo).

    - Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

    + Thời hạn giải quyết: 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và phí, lệ phí cấp phép theo quy định (nếu có).

    + Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ - sử dụng nguồn phóng xạ.

    * Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

    - Cơ quan có thẩm quyền: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

    * Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy phép tiến hành công việc bức xạ - sử dụng nguồn phóng xạ.

     
    783 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận