Từ ngày 01/01/2016, Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 bắt đầu có hiệu lực. Để kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn Luật này, Chính phủ đang trong quá trình dự thảo Nghị định quy định chi tiết về số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND các cấp.
Theo đó, Nghị định này hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiện, bãi nhiệm, điều động, các chức thành viên UBND các cấp như sau:
1. Thủ tục bầu thành viên UBND các cấp
Bước 1: Xin ý kiến trước khi HĐND bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các cấp
- Gửi văn bản xin ý kiến trước khi HĐND bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các cấp.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị:
+ Bộ Nội vụ kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có ý kiến về việc bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
+ Sở Nội vụ kiểm tra, báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh để có ý kiến về việc bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện.
+ Phòng Nôi vụ kiểm tra, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện để có ý kiến về việc bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã.
- Sau khi có ý kiến bằng văn bản của cấp có thẩm quyền nêu trên, Chủ tịch HĐND trình HĐND cùng cấp tiến hành việc bầu Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBND trình HĐND cùng cấp tiến hành việc bầu Phó Chủ tịch UBND.
- Cơ quan Nội vụ quy định trên được mời tham dự phiên họp của HĐND bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND.
Bước 2: Bầu thành viên UBND
- Chủ tịch UBND do HĐND bầu theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND.
Chủ tịch UBND được bầu tại kỳ họp thứ nhất của HĐND phải là đại biểu HĐND.
Chủ tịch UBND được bầu trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu HĐND.
- Khi bầu thành viên UBND tại kỳ họp HĐND, nếu có đại biểu HĐND ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sác đã được người có thẩm quyền giới thiệu thì Thường trực HĐND trình HĐND xem xét, quyết định, riêng tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa HĐND thì chủ tọa kỳ họp trình HĐND xem xét, quyết định.
- Ban kiểm phiếu bầu thành viên UBND gồm: Trưởng ban, Thư ký và các ủy viên do HĐND bầu theo giới thiệu của Chủ tọa kỳ họp,
Đại biểu HĐND có quyền ứng cử, đề cử người tham gia Ban kiểm phiếu.
- Thành viên UBND trúng cử khi có quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu tán thành.
- Trong trường hợp bầu lần đầu nhưng không được quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu tán thành thì việc có bầu lại hay không bầu lại do Chủ tọa kỳ họp xin ý kiến HĐND.
Bước 3: Gửi kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND để trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND:
- Thường trực HĐND cấp tỉnh phải gửi hồ sơ kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cùng cấp đến Bộ Nội vụ để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ.
- Thường trực HĐND cấp huyện phải gửi hồ sơ kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cùng cấp đến Sở Nội vụ thẩm định trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
- Thường trực HĐND cấp xã phải gửi hồ sơ kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cùng cấp đến Phòng Nội vụ thẩm định trình Chủ tịch UBND cấp huyện.
Bước 4: Thẩm định hồ sơ đề nghị phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định:
- Bộ Nội vụ thẩm định hồ sơ đề nghị phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét phê chuẩn.
- Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ đề nghị phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh để xem xét phê chuẩn.
- Phòng Nội vụ thẩm định hồ sơ đề nghị phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xa4 trình Chủ tịch UBND cấp huyện để xem xét phê chuẩn.
Bước 5: Phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản thẩm định của cơ quan nội vụ kèm theo hồ sơ đề nghị của Thường trực HĐND, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện xem xét, phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp.
Trường hợp không phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu HĐND cấp dưới tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn.
2. Thủ tục từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND
Từ chức:
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy viên UBND nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ thì có thể xin từ chức.
Đơn xin từ chức của Chủ tịch được gửi đến Chủ tịch HĐND cùng cấp, của Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND được gửi đến Chủ tịch UBND cùng cấp.
Miễn nhiệm, bãi nhiệm:
Trường hợp thành viên UBND được cơ quan có thẩm quyền luân chuyển sang vị trí công việc khác, được nghỉ chế độ hưu, thôi việc hoặc theo quy định khác thì HĐND miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND theo đề nghị của Chủ tịch HĐND, miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND theo đề nghị của Chủ tịch UBND.
Trường hợp thành viên UBND vi phạm kỷ luật đến mức phải bãi nhiệm chức danh này thì HĐND bãi nhiệm Chủ tịch UBND theo đề nghị của Chủ tịch HĐND, bãi nhiệm Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND theo đề nghị của Chủ tịch UBND.
Trường hợp thực hiện việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND bằng hình thức bỏ phiếu kín thì thành lập Ban kiểm phiếu gồm: Trưởng ban, Thư ký và các ủy viên do HĐND bầu theo giới thiệu của Chủ tọa kỳ họp, Đại biểu HĐND có quyền ứng cử, đề cử người tham gia Ban kiểm phiếu.
Kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu HĐND tán thành..
Trình tự, thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch tương tự với trình tự, thủ tục bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch.
Điều động, cách chức
Thực hiện theo Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND được điều động hoặc bị cách chức chấm dứt thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND kể từ khi có quyết định điều động, cách chức có hiệu lực và không thực hiện thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm tại HĐND.
Xem chi tiết tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết về số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND các cấp.