Thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động bị xử phạt thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #611026 26/04/2024

    Thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động bị xử phạt thế nào?

    Tôi có thắc mắc là việc thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động sẽ bị xử phạt thế nào? (Câu hỏi từ chị Uyên, Nghệ An).

    1. Xuất khẩu lao động là gì?

    Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về thuật ngữ "xuất khẩu lao động". Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 thì người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên cư trú tại Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.

    Như vậy, ta có thể hiểu xuất khẩu lao động là việc công dân Việt Nam từ đủ 18 trở lên cư trú tại Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.

    2. Thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động bị xử phạt thế nào?

    Tại khoản 8 Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 thì hành vi thu tiền môi giới của người lao động là hành vi bị cấm.

    Căn cứ tại khoản 6 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng không quá 200.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động hoặc tuyển chọn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật.

    Như vậy, hành vi thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động của công ty dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

    Hình thức xử phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng không quá 200.000.000 đồng.

    Ngoài ra, theo quy định tại điểm đ, e khoản 13, điểm đ khoản 14 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì hành vi thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể:

    - Xử phạt bổ sung bằng hình thức như sau:

    + Đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động từ 06 tháng đến 12 tháng;

    + Đình chỉ hoạt động tuyển chọn người lao động từ 06 tháng đến 12 tháng.

    - Khắc phục hậu quả: trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu trái pháp luật của người lao động và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

    3. Thời hiệu xử phạt vi phạm đối với hành vi thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động là bao lâu?

    Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:

    Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

    Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:

    Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

    Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thu tiền môi giới của người đi xuất khẩu lao động là 02 năm.

     
     
    36 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận