Không chỉ Formosa, mà tất cả các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường đều thuộc đối tượng phải bồi thường thiệt hại theo Dự thảo Thông tư quy định thủ tục thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường hướng dẫn Nghị định 03/2015/NĐ-CP vừa được Bộ Tài nguyên Môi trường cập nhật.
Tại Dự thảo Thông tư có hướng dẫn cách thức, phương pháp tính toán thiệt hại và cách xác định mức kinh phí phải bồi thường thiệt hại, cụ thể:
Tính toán thiệt hại:
- Đối với môi trường nước:
+ Xác định mục đích sử dụng môi trường nước bị ô nhiễm: được sử dụng cho 1 hay nhiều mục đích?
+ Vùng nước bị ô nhiễm ở 1 mức độ hay nhiều mức độ khác nhau?
+ Xác định diện tích, thể tích, khối lượng nước ở từng vùng bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau.
+ Xác định mức độ ô nhiễm: căn cứ đặc tính nguồn thải, xác định vị trí lấy mẫu, thời gian lấy mẫu…
- Đối với môi trường đất:
+ Xác định mục đích sử dụng đất bị ô nhiễm: được sử dụng cho 1 hay nhiều mục đích?
+ Vùng đất bị ô nhiễm ở 1 mức độ hay nhiều mức độ khác nhau?
+ Xác định diện tích, thể tích, khối lượng đất ở từng vùng bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau.
+ Xác định mức độ ô nhiễm: căn cứ đặc tính nguồn thải, xác định vị trí lấy mẫu, thời gian lấy mẫu…
- Đối với hệ sinh thái tự nhiên:
+ Xác định mức độ bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên: được quy định 1 hay nhiều vùng với các mức độ bảo tồn khác nhau?
+ Hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái ở 1 mức độ hay nhiều mức độ khác nhau?
+ Xác định diện tích hệ sinh thái bị suy thoái ở các mức độ khác nhau.
+ Xác định mức độ hệ sinh thái bị suy thoái ở từng mức độ khác nhau: tỷ lệ suy giảm so với trước khi bị thiệt hại.
- Đối với loài được ưu tiên bảo vệ bị thương, bị chết:
+ Xác định mức độ ưu tiên bảo vệ của loài.
+ Xác định số lượng cá thể loài được ưu tiên bảo vệ bị thương, bị chết.
- Xác định nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan, bao gồm:
+ Các nguồn thải.
+ Hoạt động gây sự cố môi trường, xâm hại môi trường trực tiếp hoặc liên quan…
+ Thông tin cơ bản về các tổ chức, cá nhân có liên quan…
Về cách thức và phương pháp tính toán thiệt hại:
Hướng dẫn chi tiết Điều 11 Nghị định 03/2015/NĐ-CP về việc xác định thiệt hại đối với môi trường. Theo đó:
- Thiệt hại là môi trường nước hoặc đất:
+ Xác định mức độ môi trường bị ô nhiễm, suy thoái trong từng vùng ô nhiễm căn cứ vào kết quả quan trắc, phân tích các thông số mọi trường bị ô nhiễm và tiêu chí phân loại khu vực ô nhiễm môi trường.
+ Xác định chi phí xử lý 1 đơn vị diện tích, thể tích hoặc khối lượng nước, đất bị ô nhiễm ở các mức độ đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với chất lượng môi trường nước, đất cho từng mục đích sử dụng.
+ Tính toán thiệt hại theo các công thức tại Khoản 2, 3 Điều 11 Nghị định 03.
- Thiệt hại là hệ sinh thái:
+ Xác định mức độ bị suy thoái của hệ sinh thái trong từng vùng căn cứ vào dữ liệu, chứng cứ đã được thu thập, ước tính, thẩm định.
+ Xác định các chi phí phục hồi 1 đơn vị diện tích hệ sinh thái bị suy thoái ở các mức độ khác nhau.
+ Tính toán thiệt hại theo công thức tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định 03.
- Thiệt hại là loài được ưu tiên bảo vệ bị thương, bị chết:
+ Xác định chi phí phục hồi, thay thế 1 cá thể loài được ưu tiên bảo vệ bị chết, chi phí cứu hộ, chăm sóc để phục hồi sức khỏe 1 cá thể loài được ưu tiên bảo vệ bị thương.
+ Tính toán thiệt hại theo công thức tại Khoản 5 Điều 11 Nghị định 03.
Xác định mức kinh phí phải bồi thường thiệt hại
- Tỷ lệ gây thiệt hại được tính theo tỷ lệ % gây ô nhiễm được xác định thông qua lưu lượng xả thải, nồng độ chất ô nhiễm, tổng lưu lượng xả thải và được tính theo công thức:
Trong đó: TLONi là tỷ lệ % gây ô nhiễm của tổ chức i
Qi là lưu lượng xả thải của tổ chức i
Cij là nồng độ chất gây ô nhiễm j của tổ chức i
m là số tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường
n là số chất gây ô nhiễm, suy thoái môi trường
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các tổ chức, cá nhân được tính theo công thức:
TNi (%) = TLONi (%) x (TH + CP)
Trong đó:
TNi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức i
TLONi là tỷ lệ % gây ô nhiễm của tổ chức i
TH là tổng thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra
CP là tổng chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.
Tiền bồi thường được chi như thế nào?
Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường phải nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản số tiền bồi thường theo Thông báo của cơ quan yêu cầu bồi thường giải quyết vụ việc.
Tiền bồi thường sẽ được chi trả các chi phí quan trắc, đánh giá, đo đạc, thu thập dữ liệu, chứng cứ và xác định, tính toán thiệt hại về môi trường do tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cơ quan đã ứng trước kinh phí, sau đó, số tiền lại trừ đi chi phí hợp lý được sử dụng để đầu tư khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải tạo phục hồi môi trường nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái.
Mời các bạn xem chi tiết Dự thảo Thông tư quy định thủ tục thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường tại file đính kèm.
Cập nhật bởi trang_u ngày 21/07/2016 10:18:38 SA