Quy định dừng xe xử phạt: Tít mù thẻ đỏ, thẻ xanh
Dân vừa hoan hô điểm mới trong Thông tư 45 quy định chỉ lực lượng CSGT đeo “thẻ xanh” mới được phép dừng xe xử phạt, đã lại sửng sốt trước giải thích của Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) về điều có thể hiểu như... ngược lại???
Mẫu "thẻ xanh"
Để luôn nắm đằng chuôi
Trước đây, CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường phải đeo một cái băng ở tay áo. Sau đó thay đổi quy định, lực lượng này được cấp thẻ đỏ của Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67). Chiếc thẻ này giúp lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát chứng minh với các đoàn thanh tra ngành công an biết được việc mình đang thực thi đúng nhiệm vụ. Lần này, điểm mới trong Thông tư 45 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013) là ngoài thẻ đỏ để trong túi áo, CSGT tuần tra, kiểm soát còn phải có biển hiệu (thẻ xanh), trên đó có họ tên, số hiệu chứng minh công an, ảnh của chiến sĩ CSGT… để mọi người giám sát. Như vậy, CSGT tuần tra, kiểm soát ngoài đường có “thẻ xanh” được quyền dừng xe. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào một số văn bản khác quy định về lực lượng cảnh sát khác (cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, trưởng công an cấp xã/phường…). Nếu trường hợp nào quá quyền hạn thì chuyển về cho những người có thẩm quyền xử lý (theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt, Bộ Công an)
|
Tất nhiên có một thực tế chắc ai cũng biết, đó là khi tham gia giao thông, nếu mọi người cùng có ý thức cao trong việc tuân thủ các quy định hay nói cách khác là không có gì vi phạm thì đâu phải nơm mớp lo sợ bị dừng xe, bị phạt. Nhưng ở VN mọi chuyện đều có thể xảy ra, nên phòng trước vẫn hơn dù trước hết đúng là chúng ta cũng nên xem lại chính mình để không bị đẩy vào cảnh “bị làm khó dễ” (hay nói cách khác là để luôn “nắm đằng chuôi”):
“Mọi người đọc lại luật, xem lại nghị định, thông tư cho kỹ đi đã. Ra đường mà nắm vững luật thì họ không làm khó làm dễ mình được. Tôi nghe ai đó nói: Nếu mà cãi thì …thua là chắc. Tui không biết xe hơi, xe tải thế nào, chứ tui đi xe máy, không vi phạm thì chả ai bị rờ tới. Đội mũ bảo hiểm nghiêm chỉnh, rồi quẹo trái quẹo phải gì cũng xi nhan, không lấn tuyến, thế là lành. Nếu ai có dừng xe, tôi sẽ dựa trên luật nói chuyện đàng hoàng. Tôi cá mấy bác là không ít CSGT có khi còn không nắm rõ luật, hoặc hiểu sai hay nhớ lộn mức phạt giữa xe máy với... ôtô. Có lần tui chạy trên đường Nguyễn Văn Linh TPHCM, bị thổi vào vì lấn tuyến. Anh CS nói rằng theo luật giao thông đường bộ tôi sai, nhưng nơi đó có bảng thông báo xe máy được chạy làn ngoài, thế là không phạt tôi được. Luật quy định, nhưng nghị định mới xử phạt. Nhớ nha, mấy bồ! Thông tư là hướng dẫn thi hành nghi định, xem như tương đương và bổ sung cho nghị định” - nick Xem luật nha: LongNhi456@yahoo.com
“Đã không vi phạm thì sợ gì kiểm tra? Trong khi nếu không kiểm tra cẩn thận thì làm sao phát hiện kịp thời tội phạm nguy hiểm để ngăn chặn? Nếu nói để người dân đi kiểm tra công an thì cứ suốt ngày kiểm qua, kiểm lại lấy ai làm kinh tế, ai xây dựng đất nước? Mỗi người mỗi công việc. Công việc của lực lượng công an là bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nên họ kiểm tra người dân là bình thường. Nếu không có sai phạm chắc hẳn không 1 người đàng hoàng nào lại ngại việc kiểm tra đó. Thân ái!” - Quân: volam_caothu302@yahoo.com
“Thế sao mọi người không chấp hành đúng luật giao thông cũng như mọi quy định của pháp luật, để cơ quan chức năng không phải xử phạt mọi người. Thử nghĩ xem mình đã làm đúng chưa? Sao cứ phải để cơ quan có chức năng đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn, mà mục đích cũng nhằm giảm tai nạn giao thông, bảo vệ chính bản thân mọi người?” - Sơn Nguyễn: anhkhongtien_emcoyeuko@yahoo.com
Mớ bòng bong văn bản
Nói một cách có ý thức là như vậy, song với thực trạng ý thức nói chung còn kém ở nước ta thì biết bao chuyện rất đơn giản ở nước khác chẳng phải lại trở nên nào là phức tạp, nào là nhạy cảm khiến các cơ quan chức năng thì kêu khó, dân thì bức xúc… đó sao? Trong khi đó các văn bản của ta thì đã nhiều và rắc rối, lại còn kèm thêm nào nghị định, nào thông tư.... Mà càng giải thích xem ra chỉ càng thêm lòng vòng như mớ bòng bong, dân thường mấy ai có thể bỏ thời gian nghiên cứu kỹ từng văn bản để mà hiểu cho cặn kẽ, nói gì tới thuộc và nhớ nổi. Thế nên lời kêu ca, phàn nàn lại rộ lên quanh chuyện tấm “thẻ xanh” này vì có vẻ như vẫn kiểu: sáng đúng, chiều sai, đến mai (có khi) lại đúng.
“Ngày xưa các cụ có câu: "TRỐNG ĐÁNH XUÔI, KÈN THỔI NGƯỢC". Hôm trước tôi vừa nghe một ông Tướng nói " CHỈ CSGT CÓ THẺ XANH MỚI CÓ QUYỀN DỪNG XE". Hôm nay lại nghe ông Tướng khác nói: "DỪNG XE KHÔNG CHỈ CÓ CSGT", chẳng biết đâu mà lần nữa, khổ thật!” - Phasonlua: phasonlua@yahoo.com
“Đọc xong bài báo này, rốt cuộc mình không biết "AI" mới không được dừng và kiểm tra phương tiện. Haizzz, còn mập mờ lắm các bác ơi. Dân tình thì ngày càng bức xúc về tiêu cực. Đâu rồi những con người CẦN-KIỆM-LIÊM-CHÍNH của đất nước? Chốt một câu thôi: Cấp trên mà nghiêm thì cấp dưới tất ổn!” - Do Chung: ngocchung_2005@yahoo.com
“Luật kiểu gì mà ai muốn hiểu sao cũng được? Văn bản thì viết "Chỉ có CSGT đeo thẻ xanh mới có quyền dừng xe, phương tiện ". Khi phát biểu thì nói "Không chỉ có lực lượng CSGT… " Vậy có thể hiểu là dân quân tự vệ, cơ động, trật tự quản lý xây dựng, công an phường vẫn thổi còi dừng phương tiện được??!!! Trộm cướp hiện nay nghiêm trọng như vậy, phải huy động cả lực lượng 141 vào cuộc còn chưa xuể. Nhưng chỗ nào cũng đầy mấy anh công an phường, dân phòng đi phục mấy ông bà già, chị em phụ nữ không đội nón bảo hiểm… Còn mấy teen tóc xanh tóc đỏ, phi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm thì… không thấy động tĩnh gì?...” - Long: chauthienlong266@gmail.com
“Nhiệm vụ của công an thứ nhất là phân luồng, hướng dẫn giao thông, thứ 2 mới tới xử phạt. Nhưng mình chỉ thấy rất ít chiến sĩ đứng hướng dẫn điều khiển giao thông, còn tới 99 % chỉ chăm chăm phạt tiền người dân thôi. Mà công an giao thông đã đành, lại thêm cả lực lượng áo xanh, công an xã, dân phòng cũng tham gia phạt. Nhưng quan trọng hơn là phạt mà chẳng thấy biên lai đâu cả. Vậy số tiền phạt nộp cho nhà nước là bao nhiêu hay lại chui vào túi riêng của ai hết?” - Zai Đông Anh: muathuytinh9290@yahoo.com
“Tôi thấy các quy định pháp luật VN thật rối và lằng nhằng quá. Mấy ông xã phường thì nên tập trung làm những việc khác rất cần đến vai trò của họ, thiếu gì việc mà ra đường chặn xe bắt dân? Tôi cũng có cảm giác nhiều CSGT và dân phòng ra đường chỉ lo bắt bớ mà quên mất nhiệm vụ của mình là điều tiết giao thông. Cứ chặn xe là dân kiểu gì cũng mất tiền, không bị lập biên bản thì cũng phải đưa tiền 'nóng' mới đi được. Chả mấy khi thấy họ nhắc nhở, hướng dẫn dân một cách đoàng hoàng. Có lẽ chính vì vậy mà TNGT ở nước ta vẫn không giảm cho dù CSGT triển khai trên đường rất nhiều” – Đỗ Hoàng: dohoanggsm@yahoo.com
“Những CSGT không có thẻ xanh hay công an địa phương vẫn có quyền dừng xe vi phạm, nhưng không có quyền phạt. Rồi họ có thể gọi lực lượng có quyền phạt đến phạt. Tóm lại quy định mới này chưa hẳn có thể giảm trừ lạm quyền hay nhũng nhiễu dân, vì nếu bị công an địa phương hay CSGT không có thẻ xanh dừng xe vì vi phạm, thì đôi khi đưa luôn cho họ chút tiền còn hơn đứng chờ họ gọi hỗ trợ tới. Luật là “chết” còn con người là “sống” –
Heo map:
Aloha@gmail.com
Không chỉ CSGT, cảnh sát trật tự, cơ động… cũng có quyền xử lý phương tiện vi phạm (ảnh minh họa: Trần Thắng, báo Người lao động)
Điệp khúc Phạt vẫn... ngân vang
Chất liệu làm nên điệp khúc Phạt và chỉ phạt mà thôi... được dân cung cấp từ thực tế vẫn đang diễn ra ở khắp mọi nơi, nhất là các thành phố lớn:
“Mình thấy ở Hà Nội hiện nay rất nhiều tình trạng dân phòng và công an phường lạm dụng chức quyền, nhăm nhăm ra đường chờ người dân vi phạm dù rất nhỏ (chỉ đáng bị nhắc nhở) để xử phạt. Mình nghĩ công an phường chỉ có quyền giữ gìn trật tự ở phường thôi chứ?” – Kim Hung: congakute_nb89@yahoo.com.vn
“Tại sao cứ phải bày vẽ ra những chuyện thẻ xanh, thẻ đỏ làm gì… Hôm trước tôi đi qua khu vực Suối Tiên, TPHCM nơi có 3 trạm kiểm tra của CSGT và bị bắt lại ở trạm đầu tiên. Anh CSGT không cần xem giấy tờ xe, nói luôn 200k mà không làm theo đúng các thủ tục đáng ra theo luật phải làm. Tôi tính ngay thấy 1 phút bắt 2 xe, mỗi xe ít nhất 200k. Vậy các bạn thử tính xem 1 CSGT làm như thế sẽ được bao nhiêu tiền 1 ngày? Có khi còn giàu hơn cả giám đốc doanh nghiệp ấy chứ???...” - Nguyễn Thị Thúy Hòa: funnystar_262@yahoo.com
“Không những cả công an phường xã, mà lực lượng trật tự đô thị phường và thành phố cũng đổ xô đi bắt xe (như ở Nha Trang). Lực lượng này có mặt ở khắp nơi và bây giờ không chỉ đi bắt xe, mà còn nấp ở những chỗ khuất chờ ai không may dừng xe vỉa hè không đúng quy định, vừa bước xuống xe là bị giữ ngay…Cứ như thể hễ ai có chút chức quyền là muốn hành dân sao cũng được? Càng nhiều quy định mới ra đời thì tôi thấy càng thêm nhiều tệ nạn, tạo kẽ hở cho tham ô, tham nhũng là chính thôi” - Anh Anh: anh.anh479@yahoo.com
“Mình ở Hải Phòng. Đi đường buổi tối tầm 6 - 7h vẫn có lực lượng CA mặc áo xanh không đeo thẻ hay biển tên đứng sau các gốc cây, biển báo… chờ xem có ai vi phạm thì chạy ra bắt vào và xử lý theo kiểu “có bao tiền thì đưa đây” (???) Vậy yêu cầu Bộ CA làm rõ trường hợp không phải là CSGT mà là lực lượng khác, thì quyền hạn và trách nhiệm của họ trong việc dừng phương tiện đang tham gia giao thông là như thế nào?” - Nguyễn Trọng Hiếu: nguyentronghieu18287@gmail.com...
Vẫn rối mù chuyện thẻ đỏ, thẻ xanh thế này thì tốt nhất chỉ còn cách tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định giao thông, nhưng phải là từ cả hai phía: Lực lượng chức năng và người dân.
Khánh Tùng