Vừa qua, xuất hiện nhiều thông tin cho rằng từ ngày 01/7/2020, 580.000 người không còn là công chức - đây là thông tin chưa chính xác.
Cụ thể, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định:
"Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước".
Theo quy định mới này, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không còn là công chức.
Tuy nhiên, Luật có quy định điều khoản chuyển tiếp như sau:
"Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành mà không còn là công chức theo quy định của Luật này và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 84 của Luật này thì tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ đang đảm nhiệm”.
Như vậy, thời điểm không còn là công chức đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là thời điểm hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ đang đảm nhiệm, không phải thời điểm Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2020).
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!