Sáng 6/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường đã xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định hiệu lực thi hành sớm nhất có thể
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau: Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế. Từ ngày 01/01/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo
Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường về mức sàn trong biểu khung thuế bảo vệ môi trường theo Luật Thuế bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết nhằm góp phần bình ổn và tiếp tục giảm mức tăng giá xăng, dầu trong nước trước bối cảnh biến động của tình hình giá xăng, dầu thế giới, góp phần vào thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như giải quyết khó khăn cho đời sống người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng nếu nội dung này được trình xem xét quyết định sớm hơn sẽ tốt hơn nữa. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, việc ban hành nghị quyết này là phù hợp với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc xem xét quyết định theo trình tự thủ tục rút gọn là phù hợp với quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp cấp bách để giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Nhất trí với các mức giảm mà Chính phủ đề xuất, bởi vì đây là kịch khung trong thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không thể giảm thêm được nữa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị có thêm đánh giá tác động của việc giảm thuế bảo vệ môi trường đến việc giảm giá xăng dầu trên thực tế. Bởi tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu so với các nước là thấp. Cho nên tác động của việc giảm thuế chưa chắc đã tác động lớn đến giảm giá. Ngoài ra, tác động đến ngân sách nhà nước cũng cần được xem xét.
Liên quan đến hiệu lực của Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng Nghị quyết này có hiệu lực càng sớm càng tốt để có thể hỗ trợ ngay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, cũng phụ thuộc vào điều hành nữa của Chính phủ. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị nếu kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo sớm hơn ngày 15/7 thì có thể lấy mốc có hiệu lực của Nghị quyết từ kỳ điều hành tiếp theo; nếu kỳ điều hành giá của Chính phủ sau ngày 15/7 thì lấy ngày có hiệu lực của Nghị quyết là từ ngày 15/7.
Có cùng quan điểm về việc Nghị quyết này cần sớm có hiệu lực thi hành, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, cần thiết phải giảm thuế xăng, dầu để góp phần vào việc giảm giá xăng, dầu, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp và cho rằng để bảo đảm kịp thời thì nên quy định Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2022.
Theo Quốc Hội
Cập nhật bởi ChuTuocLS ngày 06/07/2022 01:40:39 CH