Thời hiệu quyền cầm giữ hàng hải hiện nay được pháp luật quy định bao lâu?

Chủ đề   RSS   
  • #607174 29/11/2023

    Thời hiệu quyền cầm giữ hàng hải hiện nay được pháp luật quy định bao lâu?

    Ngành Hàng hải hiện nay đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Do đó, quyền cầm giữ hàng hàng cũng là vấn đề được quan tâm hiện nay. Vậy thời hiệu quyền cầm giữ hàng hải hiện nay được quy định thế nào?
     
    1. Nguyên tắc hoạt động hàng hải
     
    Tại Điều 6 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 quy định nguyên tắc hoạt động hàng hải như sau:
     
    - Hoạt động hàng hải phải tuân theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
     
    - Hoạt động hàng hải phải bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ lợi ích, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
     
    - Hoạt động hàng hải phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải.
     
    - Hoạt động hàng hải phải bảo đảm hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo, phát triển bền vững môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
     
    2. Quyền cầm giữ hàng hải
     
    Theo Điều 40 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015, quyền cầm giữ hàng hải được quy định như sau:
     
    - Quyền cầm giữ hàng hải là quyền của người có khiếu nại hàng hải quy định tại Điều 41 của Bộ luật này được ưu tiên trong việc đòi bồi thường đối với chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu mà tàu biển đó đã làm phát sinh khiếu nại hàng hải.
     
    Khiếu nại hàng hải là việc một bên yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ phát sinh liên quan đến hoạt động hàng hải.
     
    - Các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải quy định tại Điều 41 của Bộ luật này có thứ tự ưu tiên cao hơn các khiếu nại hàng hải được bảo đảm bằng thế chấp tàu biển và các giao dịch bảo đảm khác.
     
    - Quyền cầm giữ hàng hải được thực hiện thông qua Tòa án có thẩm quyền bằng quyết định bắt giữ tàu biển mà tàu biển đó liên quan đến khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải.
     
    - Người có khiếu nại hàng hải có quyền cầm giữ hàng hải đối với tàu biển để bảo đảm cho các khiếu nại hàng hải quy định tại Điều 41 của Bộ luật này, mặc dù tàu biển đó đã được thế chấp hoặc chủ tàu đã thực hiện giao dịch bảo đảm khác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác trên cơ sở hợp đồng.
     
    - Quyền cầm giữ hàng hải đối với tàu biển không bị ảnh hưởng khi có sự thay đổi chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu dù người mua tàu biết hay không biết về việc tàu biển đã liên quan đến khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải.
     
    3. Thời hiệu quyền cầm giữ hàng hải
     
    Thời hiệu quyền cầm giữ hàng hải được quy định chi tiết tại Điều 43 Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 như sau:
     
    - Thời hiệu quyền cầm giữ hàng hải là 01 năm kể từ thời điểm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải.
     
    - Thời điểm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải quy định tại khoản 1 Điều này được tính như sau:
     
    + Từ ngày kết thúc hoạt động cứu hộ, trong trường hợp để giải quyết tiền công cứu hộ;
     
    + Từ ngày phát sinh tổn thất, trong trường hợp để giải quyết các tổn thất và thiệt hại gây ra do hoạt động của tàu biển;
     
    + Từ ngày phải thanh toán, trong trường hợp để giải quyết các khiếu nại hàng hải khác.
     
    - Quyền cầm giữ hàng hải chấm dứt kể từ khi chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu đã thanh toán những khoản nợ phát sinh từ các khiếu nại hàng hải liên quan; nếu tiền thanh toán vẫn do thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền thay mặt chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu giữ để thanh toán các khoản nợ liên quan đến các khiếu nại hàng hải đó thì quyền cầm giữ hàng hải vẫn còn hiệu lực.
     
    - Trường hợp Tòa án không thể thực hiện việc bắt giữ tàu biển trong phạm vi nội thủy, lãnh hải Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của người khiếu nại hàng hải thường trú hoặc có trụ sở chính tại Việt Nam thì thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này kết thúc sau 30 ngày kể từ ngày tàu đến cảng biển Việt Nam đầu tiên, nhưng không quá 02 năm kể từ ngày phát sinh quyền cầm giữ hàng hải.
     
    Như vậy, thời hiệu quyền cầm giữ hàng hải được quy định cụ thể tại Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015. Ngành hàng hải có vai trò quan trọng đến sự phát triển kinh tế biển nên kéo theo đó quyền cầm giữ hàng hải cũng là vấn đề được chú ý đến hiện nay. 
     
     
    363 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận