Việc thi hành án chậm trễ của một số cơ quan nhà nước làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khiến nhiều trường hợp lâm vào tình trạng khốn đốn.
Để nắm rõ hơn các quy định về thi hành án hành chính và thời hạn thi hành án hành chính là bao lâu, bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan.
Thi hành án hành chính là gì?
Thi hành án hành chính là việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành, trừ quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Căn cứ tại Điều 309 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành, bao gồm:
-Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.
- Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.
- Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án.
- Quyết định theo thủ tục đặc biệt của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 296 của Luật Tố tụng hành chính 2015.
- Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án mặc dù có khiếu nại, kiến nghị.
Ai sẽ phải thi hành án trong vụ án hành chính?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 71/2016/NĐ-CP thì người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành.
Đối tượng bị khởi kiện trong các vụ án hành chính là những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền.
Do đó, người phải thi hành án trong trường hợp này là các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước. Đặc biệt là một số đối tượng phổ biến khi người phải thi hành án là UBND hoặc Chủ tịch UBND. Với đặc thù như vậy, nên việc thi hành các bản án hành chính gặp nhiều khó khăn.
Thời hạn thi hành án hành chính
Theo đó, tùy từng trường hợp khác nhau mà thời hạn thi hành án hành chính là khác nhau. Pháp luật quy định cho người phải thi hành bản án, quyết định hành chính thi hành ngay bản án, quyết định đối với những trường hợp bản án, quyết định phải thi hành ngay hoặc trong thời hạn 30 ngày tùy vào từng loại việc cụ thể và việc thi hành này là tự nguyện thực hiện.
Đối với trường hợp quá thời hạn quy định thì cơ quan có thẩm quyền có quyền ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định hành chính khi có đơn yêu cầu của người được thi hành án.
Theo Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP quy định Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trách nhiệm tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính do Tòa án gửi.
Khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc thi hành án hành chính.
Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn kèm theo bản sao bản án, quyết định của Tòa án, tài liệu khác có liên quan đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn yêu cầu thi hành án.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, Chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án.
Cơ quan thi hành án dân sự có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.
Theo đó, khi hết thời hạn thi hành án hành chính mà người phải thi hành án không tự nguyện thực hiện thì khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định của Tòa án.