Tinh giản biên chế là chính sách giảm một số lượng nhân lực làm việc trong cơ quan nhà nước mà không đáp ứng được nhu cầu cũng như dư dôi về số lượng không cần thiết.
Theo đó, người thuộc diện tinh giản biên chế sẽ phải thực hiện chế độ nghỉ việc theo dạng chính sách, vậy thời điểm để tính tinh giản biên chế được quy định là khi nào?
1. Tinh giản biên chế là gì?
Hiện hành, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan nhà nước như sau:
Là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế.
Qua đó, trường hợp mà một người thuộc chính sách tinh giản biên chế sẽ không thể tiếp tục công việc mà mình đang thực hiện cũng như làm việc trong các cơ quan khác của nhà nước.
2. Đối tượng và cơ quan thực hiện tinh giản biên chế
Theo đó, việc tinh giản biên chế hiện nay phải được thực hiện đúng đối tượng và cơ quan thực hiện.
* Cơ quan thực hiện:
- Các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến cấp xã.
- Các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội.
- Các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội làm chủ sở hữu.
- Công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước nay được cấp có thẩm quyền bán hết phần vốn nhà nước.
- Nông, lâm trường quốc doanh sắp xếp lại theo quy định của pháp luật.
* Đối tượng thực hiện:
- Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã;
- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
- Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty TNHH MTV do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu.
- Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.
- Người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội.
3. Thời điểm tinh giản biên chế
Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 01 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng; trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh của đối tượng.
Ngoài ra, thời gian để tính trợ cấp là thời gian làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, ĐVSN công lập, doanh nghiệp nhà nước và các hội được tính hưởng BHXH và đóng BHXH bắt buộc. Nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc chưa hưởng chế độ BHXH một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ.
Nếu thời gian tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là 1/2 năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 1 năm.
Như vậy, thời điểm tinh giản biên chế là thời điểm bắt đầu nghỉ việc của đối tượng tinh giản biên chế. Đối với đối tượng đủ tuổi nghỉ hưu trước tuổi thì là ngày 1 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng. Trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 1 tháng 1 của năm sinh của đối tượng.