Thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên theo án lệ số 62/2023/AL?

Chủ đề   RSS   
  • #606846 15/11/2023

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1400)
    Số điểm: 11717
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 208 lần


    Thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên theo án lệ số 62/2023/AL?

    Về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên phải được Tòa án xác định kể từ khi người con được sinh ra?

    Tìm hiểu nội dung án lệ số 62/2023/AL về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con (được ban hành kèm theo Quyết định 39/QĐ-CA năm 2023 về công bố án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành).

    Nội dung vụ án:

    * Nguyên đơn chị Lê Thị D trình bày:

    Chị và anh Trịnh Vinh C tự nguyện chung sống từ năm 2013 có tổ chức đám cưới theo phong tục tập quán nhưng không đăng ký kết hôn. Do không chung sống với nhau được nên đã đề nghị Tòa án giải quyết, tại Bản án số 13/2017/HNGĐ-ST ngày 31/3/2017 của TAND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã tuyên bố không công nhận chị Lê Thị D và anh Trịnh Vinh C là vợ chồng.

    Trong thời gian chung sống, chị D và anh C có một người con chung là Lê Gia P, sinh ngày 12/01/2014. Cháu Lê Gia P từ khi sinh ra cho đến nay do chị D nuôi dưỡng.

    Chị D khởi kiện đề nghị Tòa án xác định cháu Lê Gia P là con của chị và anh Trịnh Vinh C; đồng thời đề nghị Tòa án buộc anh Trịnh Vinh C cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 2.000.000 đồng từ ngày 12/01/2014 cho đến khi cháu Lê Gia P trưởng thành. Tại phiên tòa sơ thẩm, chị thay đổi một phần yêu cầu, buộc anh C phải cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1.500.000 đồng kể từ ngày 12/01/2014 đến khi cháu P trưởng thành đủ 18 tuổi.

    * Bị đơn anh Trịnh Vinh C trình bày:

    Anh Trịnh Vinh C thừa nhận về thời gian chung sống và việc Tòa án giải quyết không công nhận các bên là vợ chồng như chị Lê Thị D đã trình bày. Anh thừa nhận cháu Lê Gia P là con đẻ của anh và chị Lê Thị D, sinh ra trong thời kỳ chung sống như vợ chồng. Anh xác định trong thời kỳ chung sống như vợ chồng và khi ly hôn do mâu thuẫn gia đình quá trầm trọng nên chị Lê Thị D đã không cho anh Trịnh Vinh C nhận cháu Lê Gia P là con và khai sinh lấy họ theo họ mẹ.

    Đối với yêu cầu khởi kiện cấp dưỡng nuôi con theo yêu cầu của chị Lê Thị D:

    Anh xác định mức cấp dưỡng nói trên là quá cao, vượt quá thu nhập của mình. Anh C chỉ đồng ý cấp dưỡng mỗi tháng 1.300.000 đồng, tính từ ngày 01/11/2017 đến khi cháu Lê Gia P trưởng thành.

    Nhận định Tòa án:

    [2] Xét kháng cáo của anh C đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước hạ mức cấp dưỡng từ 1.500.000đ/tháng xuống 1.000.000đ/tháng, thấy rằng: Theo Biên bản xác minh của TAND huyện Lộc Ninh (BL33) thì chi phí trung bình để chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ độ tuổi như cháu P cần 3.000.000đ/tháng. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm buộc anh C phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu P mỗi tháng 1.500.000đ (3.000.000đ : 2 người = 1.500.000đ/người) là phù hợp. Bởi lẽ, anh C là giáo viên có thu nhập ổn định, mức lương hàng tháng là 4.666.220 đồng (BL18), do đó kháng cáo của anh C đề nghị giảm mức cấp dưỡng xuống là không có căn cứ chấp nhận.

    [3] Xét kháng cáo của chị Lê Thị D về việc buộc anh Trịnh Vinh C phải trả lại số tiền mà chị D một mình đã bỏ ra để cấp dưỡng nuôi cháu Lê Gia P từ khi sinh ngày 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 (ngày chị làm đơn khởi kiện) là 45 tháng với số tiền là 45 tháng x 1.500.000 đồng/tháng = 67.500.000 đồng, thấy rằng: Tại phiên tòa phúc thẩm, anh C thừa nhận cháu P là con của mình, từ khi sinh ra đến nay cháu P do chị D nuôi dưỡng, là do anh C chưa được xác nhận là cha hợp pháp của cháu P, mặc dù vậy nhưng khi chị D sinh, anh C có đưa cho chị D 05 triệu đồng để chị chuẩn bị sinh. Sau đó anh C có đưa cho chị D mỗi năm trung bình 05 tháng, mỗi tháng 01 triệu đồng tiền cấp dưỡng nuôi con. Còn chị D chỉ thừa nhận anh C có đưa cho chị D 05 triệu đồng để chị chuẩn bị sinh và anh C chỉ đưa cho chị D ba lần mỗi lần 01 triệu đồng.

    [4] Xét theo quy định tại Điều 82, 83; khoản 24 Điều 3, Điều 107, 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 281 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chưa thành niên được phát sinh từ khi người con được sinh ra. Việc cấp dưỡng nuôi con là quyền và là nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con. Cháu Lê Gia P là con chung của chị Lê Thị D và anh Trịnh Vinh C, nhưng từ khi cháu P sinh ra là ngày 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 (ngày chị D làm đơn khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng), một mình chị D chăm sóc, nuôi dưỡng và chi trả các khoản chi phí nuôi con. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu buộc anh C hoàn trả lại số tiền chi phí mà chị D bỏ ra để nuôi cháu P từ ngày sinh ra 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 (ngày chị D làm đơn khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng) là không phù hợp làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị D. Do đó, cần chấp nhận một phần kháng cáo của chị D, buộc anh C phải hoàn trả lại cho chị D ½ của số tiền 02 triệu đồng/tháng mà chị D đã bỏ ra nuôi con tính từ ngày 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 như sau: 45 tháng x 1.000.000 đồng/tháng = 45.000.000 đồng.

    [5] Anh C trình bày mỗi năm trung bình anh C đã cấp dưỡng 05 tháng, mỗi tháng 01 triệu đồng cho chị D nuôi con. Nhưng anh C không có tài liệu chứng cứ chứng minh, chị D chỉ thừa nhận có nhận của anh C 03 lần mỗi lần 01 triệu đồng tiền cấp dưỡng nuôi con, nên chỉ có cơ sở chấp nhận anh C có cấp dưỡng nuôi con cho chị D được 03 tháng, mỗi tháng 1.000.000đ, tổng cộng là 3.000.000đ, số tiền này được khấu trừ vào số tiền 45.000.000đ cấp dưỡng nuôi con mà anh C phải hoàn trả lại cho chị D (45.000.000đ - 3.000.000đ)= 42.000.000đ.

    [6] Riêng số tiền 5.000.000đ anh C đưa cho chị D, đây là chi phí sinh đẻ nên anh C không được trừ vào số tiền cấp dưỡng nuôi con.

    Nội dung án lệ:

    “[4] Xét theo quy định tại Điều 82, 83; khoản 24 Điều 3, Điều 107, 110, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 281 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chưa thành niên được phát sinh từ khi người con được sinh ra. Việc cấp dưỡng nuôi con là quyền và là nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con. Cháu Lê Gia P là con chung của chị Lê Thị D và anh Trịnh Vinh C, nhưng từ khi cháu P sinh ra là ngày 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 (ngày chị D làm đơn khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng) một mình chị D chăm sóc, nuôi dưỡng và chi trả các khoản chi phí nuôi con. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu buộc anh C hoàn trả lại số tiền chi phí mà chị D bỏ ra để nuôi cháu P từ ngày sinh ra 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 (ngày chị D làm đơn khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng) là không phù hợp làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị D. Do đó cần chấp nhận một phần kháng cáo của chị D, buộc anh C phải hoàn trả lại cho chị D ½ của số tiền 02 triệu đồng/tháng mà chị D đã bỏ ra nuôi con tính từ ngày 12/01/2014 cho đến ngày 12/10/2017 như sau: 45 tháng x 1.000.000 đồng/tháng = 45.000.000 đồng.”

    Như vậy, sau khi người con được sinh ra, người mẹ khởi kiện yêu cầu xác định bị đơn là cha đẻ của người con và yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên (Tòa án xác định bị đơn là cha đẻ của người con và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con). Trong trường hợp này, Tòa án phải xác định thời gian cấp dưỡng cho con chưa thành niên được tính kể từ khi người con được sinh ra. Cụ thể, trong vụ việc này, Tòa án dựa theo quy định tại Điều 82, 83; khoản 24 Điều 3, Điều 107, 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 281 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương tứng với Điều 275 Bộ luật Dân sự 2015) để xác định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chưa thành niên được phát sinh từ khi người con được sinh ra.

     
    142 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận