Thị trấn mang tên vị danh tướng Buford thuộc bang Wyoming nước Mỹ vừa được chủ nhân người Việt Nam - doanh nhân Phạm Đình Nguyên chính thức đặt cho một cái tên mới: Thị trấn PhinDeli.
Tên gọi này xuất phát chính từ tên thương hiệu Cà phê Việt PhinDeli mà ông sở hữu vừa được tung ra thị trường. Được biết, doanh nhân người Việt nói trên đã mua thị trấn Buford vào tháng 4/2012 sau cuộc đấu giá dài 11 phút với mức giá 900.000 USD. Ông cũng tiết lộ, sắp tới đây, mọi du khách đi ngang qua thị trấn Buford (nay đổi tên thành thị trấn PhinDeli) sẽ được thưởng thức hương vị Cà phê Việt - PhinDeli hoàn toàn miễn phí.
Theo kế hoạch, Lễ đổi tên thị trấn và giới thiệu PhinDeli sẽ được tổ chức tại Buford vào ngày 3/9. Thống đốc bang Wyoming Matt Mead dự kiến sẽ là khách danh dự, chính thức khai trương thị trấn PhinDeli Buford.
Còn nhớ, sự kiện độc đáo “Người Việt mua thị trấn Mỹ” năm ngoái đã từng gây nên một cơn chấn động khi là lần đầu tiên trong lịch sử, một thị trấn của Mỹ thuộc về người Việt Nam “chính gốc” (ông Nguyên hiện sống tại TP.HCM và mang quốc tịch Việt Nam).
Sau một năm khá yên ắng, ngày 30/7/2013 vừa qua, câu chuyện “mua thị trấn Mỹ” lại được nhiều tờ báo và đài truyền hình lớn của Việt Nam và Mỹ đưa tin, khi ông Nguyên công bố đổi tên thị trấn thành PhinDeli.
Trước đó, có không ít lời bàn tán về sự kiện này, nhưng ông Nguyên không tiết lộ mục đích mua thị trấn Mỹ của mình là gì. Khi mục đích cuối cùng được công bố, bên cạnh cảm giác tự hào, có rất nhiều đánh giá đây là chính một trong những “huyền thoại” trong lịch sử ngành tiếp thị - mua một thị trấn Mỹ để giới thiệu sản phẩm “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam!
Việc công bố kế hoạch khai thác Buford của ông Nguyên đã trả lời cho những suy diễn, đồn đoán về mục đích bỏ 900.000 đô để mua thị trấn “chó ăn đá, gà ăn muối” này.
Và việc đổi tên, cũng đặt ra thách thức về mặt pháp lý khi mà thị trấn có 147 năm lịch sử mang tên một vị anh hùng thì giờ đây lại mang tên thương hiệu cà phê Việt. Và nếu cuộc tranh cãi này nổ ra, hơn ai hết chính thương hiệu PhinDeli sẽ được hưởng lợi. Truyền thông sẽ nhảy vào cuộc. Đây sẽ là một cuộc chấn động thứ 2 sau chấn động thứ nhất “Người Việt mua thị trấn Mỹ”.
Thôi hãy cứ chờ!