Nhớ ơn những người đã tạo nên thành quả cho mình được hưởng thụ vốn là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Điều này thể hiện rõ qua câu “Uống nước nhớ nguồn”. Dưới đây là ý nghĩa của câu nói này và liên hệ đến trường hợp gần đây có nhiều cá nhân có nhiều biểu hiện của việc xúc phạm lãnh tục đất nước, hình phạt của hành vi này là gì?
Thế nào là “Uống nước nhớ nguồn”?
Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”được hiểu theo hai nét nghĩa. Với nghĩa đen thì “Uống nước nhớ nguồn” được hiểu là khi uống dòng nước mát thì hãy nhớ tới nơi khởi đầu đã cho ta dòng nước đó.
Với nghĩa bóng “Uống nước” được hiểu là hưởng những thành quả, thành tựu mà người khác tạo ra, “Nhớ nguồn” là nhớ tới những người đã tạo ra thành quả đó. Như vậy, nghĩa bóng câu tục ngữ này được hiểu là những thành quả chúng ta được hưởng ngày hôm nay đều được tạo ra từ công sức của rất nhiều người cho nên thế hệ thụ hưởng cần phải biết ghi nhớ công lao của họ.
Câu tục ngữ này còn được nhắc đến nhằm răn dạy thế hệ trẻ về lòng yêu nước, về sự biết ơn đối với các ông cha đã có công dựng nước, giữ nước. Bởi dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều chiến tranh, đã có rất nhiều người đã ngã xuống để mang đến nền hòa bình như ngày hôm nay. Do vậy, thế hệ trẻ được sống trong một nền hòa bình độc lập cũng cần ghi nhớ công ơn của các thế hệ trước.
Người Việt Nam xúc phạm lãnh tụ đất nước bị xử phạt thế nào?
Vừa qua, có đối tượng xúc phạm danh dự và nhân phẩm của lãnh tụ đất nước bằng cách dùng các từ ngữ ám chỉ, miệt thị sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước. Đây cũng là một trong các hành vi chối bỏ thành tựu đối với các người hùng của dân tộc. Vậy hành vi xúc phạm lãnh tụ sẽ bị xử phạt như thế nào, cùng tìm hiểu ở nội dung dưới đây:
Hành vi xúc phạm lãnh tụ là hành vi dùng lời nói hoặc hành động để xâm phạm đến uy tín, danh dự, lợi ích của lãnh tụ. Chủ thể phạm tội dùng lời nói miệt thị đất nước, tung những tin đồn thất thiệt, thông tin sai sự thật về lãnh tụ.
Tại Điều 16 Luật an ninh mạng 2018 có quy định xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc là một trong thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, hành vi xúc phạm lãnh tụ có thể bị xử phạt vị phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu đủ yếu tố cấu thành thì người có hành vi xúc phạm lãnh tụ đất nước sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:
Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm.
Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm - 07 năm.
Như vậy, người nào phạm tội này mà gây hậu quả ít nghiêm trọng thì chịu hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Ngoài ra, tại khoản 7 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định:
7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì cá nhân có hành vi xúc phạm lãnh tụ cũng có thể bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng và bị buộc phải gỡ thông tin xuyên tạc và có thể tịch thu phương tiện vi phạm.
Có thể thấy, khi được sống trong một môi trường hòa bình, phát triển thì thế hệ thụ hưởng cần có sự biết ơn, ghi nhớ đến công lao của những người đã góp phần mang đến nó. “Uống nước nhớ nguồn” là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và thế hệ mai sau cần giữ gìn. Việc xúc phạm lãnh tụ đất nước đã đi ngược lại truyền thống của dân tộc ta và vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.