Bạn anh có vay ngân hàng và thế chấp xe ô tô. Khi thế chấp thì ngân hàng sẽ giữ bản chính giấy đăng ký xe ô tô. Vậy khi điều khiển xe ô tô tham gia giao thông, cần phải có giấy tờ nào thay thế?
Sử dụng Giấy đăng ký phương tiện khi tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông
Tại Công văn 8601/VPCP-CN năm 2017 do Văn phòng Chính phủ ban hành về sử dụng Giấy đăng ký phương tiện khi tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông tại tổ chức tín dụng.
Theo đó, có hướng dẫn “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện”
Bên cạnh đó tại Khoản 13 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
- Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe (đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ), bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (đối với phương tiện tham gia giao thông đường sắt) kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt.
=> Như vậy, khi có thế chấp xe ô tô tại ngân hàng, ngân hàng giữ bản chính giấy đăng ký xe ô tô thì người điều khiển xe có thể sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe. Tuy nhiên cần phải lưu ý là Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng phải còn hiệu lực.
Nội dung của Giấy biên nhận thế chấp
Theo hướng dẫn tại Công văn 7000/NHNN-PC năm 2017 về cấp Giấy biên nhận giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- Tổ chức tín dụng nhận thế chấp có trách nhiệm cấp một (01) bản gốc Giấy biên nhận thế chấp cho bên thế chấp trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đối với trường hợp cấp mới.
Trường hợp khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ được bảo đảm bằng phương tiện giao thông, việc cấp Giấy biên nhận thế chấp do tổ chức tín dụng nhận thế chấp và bên thế chấp thỏa thuận.
- Giấy biên nhận thế chấp phải bao gồm ít nhất các nội dung sau:
+ Tên gọi: Giấy biên nhận thế chấp;
+ Số Giấy biên nhận thế chấp;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức tín dụng nhận thế chấp;
+ Tên của bên thế chấp; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu hoặc số chứng minh quân nhân đối với bên thế chấp là cá nhân; số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc số giấy phép đầu tư hoặc số giấy chứng nhận đầu tư hoặc số quyết định thành lập đối với bên thế chấp là pháp nhân;
+ Số giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, loại phương tiện giao thông, số khung, số máy, biển kiểm soát của phương tiện giao thông;
+ Thời hạn có hiệu lực của Giấy biên nhận thế chấp;
+ Lần cấp lại, số Giấy biên nhận thế chấp được thay thế đối với trường hợp cấp lại Giấy biên nhận thế chấp.
Thời hạn hiệu lực của Giấy biên nhận thế chấp do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá thời hạn có hiệu lực của hợp đồng thế chấp.
Như vậy, đối với xe đã thế chấp tại ngân hàng, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của ngân hàng còn hiệu lực. Ngân hàng có trách nhiệm cấp cho bên thế chấp 1 bản gốc Giấy biên nhận thế chấp khi nhận thế chấp xe.
Nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe hết hiệu lực thì sẽ bị xử phạt với lỗi không có Giấy đăng ký xe.