Thay lòng đổi dạ là gì? Chồng ngoại tình với người khác bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Chủ đề   RSS   
  • #614656 30/07/2024

    Thay lòng đổi dạ là gì? Chồng ngoại tình với người khác bị xử phạt bao nhiêu tiền?

    Thay lòng đổi dạ được hiểu như thế nào? Chồng ngoại tình với người khác có bị xử phạt không? Nếu có thì bị xử phạt trong trường hợp nào, bao nhiêu tiền? 

    Thay lòng đổi dạ là gì?

    Thay lòng đổi dạ là một cụm từ thường dùng để miêu tả sự thay đổi trong tình cảm, thái độ của một người đối với người khác, thường là từ yêu thương, chung thủy chuyển sang lạnh nhạt, thờ ơ, thậm chí là phản bội. 

    Chồng ngoại tình với người khác bị xử phạt bao nhiêu tiền?

    Theo khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các hành vi cấm trong quan hệ hôn nhân và gia đình như sau:

    - Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

    - Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

    Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

    ....

    Ngoài ra, căn cứ theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:

    - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

    + Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

    + Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

    + Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

    + Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

    ....

    Thông qua các quy định trên, pháp luật hiện hành không quy định về khái niệm ngoại tình. Tuy nhiên, một trong các hành vi liên quan đến ngoại tình được pháp luật quy định là việc người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ

    Như vậy, không phải mọi trường hợp chồng ngoại tình đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý vi phạm hành chính (cụ thể là phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng) mà chỉ có những mối quan hệ có các đặc điểm dưới đây:

    - Đang có vợ mà kết hôn với người khác.

    - Đang có vợ mà chung sống như vợ chồng với người khác.

    Chồng ngoại tình có được dành quyền nuôi con không?

    Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

    - Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

     Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

    - Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

    Theo đó, việc chồng ngoại tình chỉ là căn cứ để Tòa án giải quyết cho ly hôn không phải là yếu tố quyết định duy nhất trong việc xác định người trực tiếp nuôi con. Tòa án sẽ xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” để quyết định cha hay mẹ là người trực tiếp nuôi con thông qua các tiêu chí quy định tại Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP cụ thể:

    - Điều kiện, khả năng trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột.

    - Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha không trực tiếp nuôi.

    - Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ.

    - Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con.

    - Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;

    - Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;

    - Nguyện vọng của con được sống chung với cha, mẹ.

    Điều này có nghĩa là, ngay cả khi người chồng có hành vi ngoại tình thì vẫn có thể được quyền nuôi con nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên và chứng minh được mình là người phù hợp hơn để chăm sóc con.

    Tóm lại, ngoại tình là một biểu hiện rõ ràng của việc "thay lòng đổi dạ" trong cuộc sống hôn nhân. Mục đích của việc xử phạt hành vi chồng ngoại tình không chỉ là phạt tiền mà còn nhằm răn đe, bảo vệ chế độ một vợ một chồng và quyền lợi của người vợ.

     
    182 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận