Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 20/2015/TT-BTP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Theo dự thảo dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản sau:
1. Dự thảo đã bổ sung một Điều (Điều 8) hướng dẫn về thu hồi, hủy bỏ văn bản đã chứng thực khi phát hiện có sai sót. Cụ thể:
(i) Đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì khi phát hiện có sai sót, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký văn bản để thu hồi, hủy bỏ văn bản, giấy tờ chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký văn bản để thu hồi, hủy bỏ văn bản, giấy tờ chứng thực tại Phòng Tư pháp;
(ii) Đối với việc chứng thực hợp đồng, giao dịch không bảo đảm đúng quy định thì giải quyết thu hồi, hủy bỏ theo quy định của pháp luật dân sự.
...
2. Dự thảo Thông tư (Điều 7) đã sửa đổi nội dung Điều 6 Thông tư số 20/2015/TT-BTP theo hướng bỏ nội dung Giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ và bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp, chứng chỉ không phải thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự khi chứng thực bản sản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký người dịch.
3. (các điều 15, 16, và 17) bổ sung quy định cụ thể việc cho phép chứng thực chữ ký đối với một số giấy tờ có nội dung đơn giản, phổ biến hoặc áp dụng đối với một nhóm đối tượng để tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm chi phí cho người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách
Ví dụ như người nghèo thực hiện vay vốn tại ngân hàng chính sách; không cho phép chứng thực chữ ký đối với văn bản có nội dung liên quan đến giấy tờ được cấp theo quy định của pháp luật; quy định rõ nội dung ủy quyền nào không được chứng thực chữ ký (Điều 14). Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư (Điều 13) cũng bổ sung thêm quy định về việc xuất trình các giấy tờ mà pháp luật có liên quan quy định phải có trong thành phần hồ sơ để người tiếp nhận hồ sơ chứng thực kiểm tra.
4. Bổ sung quy định về Cách tính và ghi phí chứng thực. Cụ thể:
1. Phí chứng thực bản sao từ bản chính
Phí chứng thực bản sao từ bản chính được tính theo trang của bản chính. Ví dụ: Bà Trần Thị M đến Ủy ban nhân dân phường B yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính giấy chứng minh nhân dân, lấy 01 bản sao thì Ủy ban nhân dân thu 4.000 đồng/bản.
2. Phí chứng thực chữ ký (bao gồm chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản và chứng thực chữ ký người dịch)
Phí chứng thực chữ ký được tính theo từng trường hợp, mỗi trường hợp chứng thực là 10.000 đồng. Trường hợp ở đây được hiểu là mỗi lần thực hiện chứng thực chữ ký đối với một hoặc nhiều chữ ký trên 01 giấy tờ, văn bản.
Ví dụ: Bà Lê Thị C yêu cầu Ủy ban nhân dân xã Y chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền nhận bưu phẩm, nếu bà C lấy 01 bản có chữ ký của bà thì Ủy ban nhân dân thu 10.000 đồng, nếu bà C lấy 05 bản thì Ủy ban nhân dân thu 50.000 đồng.
Trường hợp bà C lấy 01 bản chứng thực chữ ký và 05 bản sao từ bản chính thì tính phí 10.000 đồng/01 trường hợp và 05 bản sao được tính theo phí chứng thực bản sao từ bản chính
3. Phí chứng thực hợp đồng, giao dịch
Phí chứng thưc hợp đồng, giao dịch được tính 50.000 đồng/01 trường hợp. Trường hợp ở đây được hiểu là 01 giao dịch. Ví dụ: Ủy ban nhân dân phường X thực hiện chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ thu phí chứng thực là 50.000 đồng (Hợp đồng được lập thành 5 bản: 01 bản cho bên chuyển nhượng, 01 bản cho bên nhận chuyển nhượng, 01 bản cho cơ quan thuế, 01 bản cho cơ quan địa chính, 01 bản lưu tại Ủy ban nhân dân phường X thì thu phí 50.000 đồng)
4. Khi chứng thực, cơ quan thực hiện chứng thực phải ghi biên lai thu phí chứng thực cho người yêu cầu chứng thực và ghi phí chứng thực vào sổ chứng thực theo từng loại việc chứng thực. Việc thu phí chứng thực phải đảm bảo đúng theo quy định hiện hành về chế độ thu, nộp và quản lý phí chứng thực.
5. Dự thảo Thông tư (các điều liên quan đến trình tự, thủ tục chứng thực đều nhấn mạnh trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực) quy định rõ việc người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với tất cả nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản của họ khi yêu cầu chứng thực.
Thông tư này thay thế Thông tư 20/2015/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch
Xem chi tiết Dự thảo tại file đính kèm:
Cập nhật bởi MinhPig ngày 23/07/2019 01:35:07 CH