Nếu người dân đi ngoài đường nhìn thấy cây xanh nơi công cộng mọc um tùm thì có được tự ý cắt tỉa không? Nếu không được mà người dân vẫn thực hiện thì sẽ bị phạt như thế nào?
Thấy cây xanh công cộng um tùm, người dân có được tự ý cắt tỉa?
Theo Điều 2 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định như sau:
- Cây xanh đô thị là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị.
- Cây xanh sử dụng công cộng đô thị là các loại cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông); cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị.
- Cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng.
Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định việc tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép là hành vi bị cấm.
Như vậy, người dân không được tự ý cắt tỉa cây xanh khi chưa được cấp phép.
Tự ý cắt tỉa cây xanh sẽ bị xử lý thế nào?
Theo khoản 3 Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa như sau:
- Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế quanh gốc cây;
+ Chăm sóc, cắt tỉa cây không tuân thủ quy trình kỹ thuật.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây;
+ Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định;
+ Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
+ Ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định;
+ Trồng cây xanh đô thị không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, không đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
+ Buộc trồng cây xanh đô thị đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, chủng loại, tiêu chuẩn cây.
Như vậy, hành vi tự ý cắt tỉa cành cây xanh sẽ bị phạt cảnh cáo, còn nếu người dân tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Thủ tục đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh
Theo Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định như sau:
1) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị
Hồ sơ bao gồm
+ Đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ, dịch chuyển; kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị;
+ Sơ đồ vị trí cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển;
+ Ảnh chụp hiện trạng cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển.
2) Trình tự, thủ tục thực hiện
Bước 1: Lập hồ sơ
Người có nhu cầu lập hồ sơ theo quy định nêu trên và nộp về cơ quan quản lý cây xanh đô thị theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và thời gian giải quyết cấp giấy phép
+ Cơ quan quản lý cây xanh đô thị theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ;
+ Thời gian giải quyết cho việc cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển tối đa không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 3: Cấp giấy phép
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép và giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II của Nghị định 64/2010/NĐ-CP:
- Phụ lục I: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/20/phu-luc-1-chat-cay.doc
- Phụ lục II: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/04/20/phu-luc-2-chat-cay.doc
Bước 4: Thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị
- Thời hạn để thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị không quá 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép;
- Đối với việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trong các dự án đầu tư xây dựng công trình phải được thực hiện theo tiến độ thực hiện dự án;
- Trước khi triển khai việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh, tổ chức hoặc cá nhân thực hiện phải thông báo cho chính quyền địa phương;
- Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị trong các khu vực công cộng và trong các khuôn viên của tổ chức, cá nhân quản lý phải bảo đảm quy trình kỹ thuật, an toàn cho người và tài sản.
- Đơn vị thực hiện dịch vụ quản lý cây xanh đô thị được giao nhiệm vụ chặt hạ, dịch chuyển cây xanh sử dụng công cộng đô thị trên địa bàn phải tuân thủ đúng quy định.
- Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chính đáng về chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị ngoài việc tuân thủ các quy định còn phải có trách nhiệm đền bù giá trị cây, chịu mọi chi phí cho việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị.