Thành viên HĐQT có đơn XIN TỪ NHIỆM: Thẩm quyền thuộc về HĐQT hay ĐHĐCĐ?

Chủ đề   RSS   
  • #508365 25/11/2018

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 488 lần


    Thành viên HĐQT có đơn XIN TỪ NHIỆM: Thẩm quyền thuộc về HĐQT hay ĐHĐCĐ?

    Thành viên HĐQT có đơn XIN TỪ NHIỆM: Thẩm quyền thuộc về HĐQT hay ĐHĐCĐD?

    Để trả lời cho thắc mắc này, mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây mình xin chia sẻ lại của Ths. Từ Thanh Thảo - Giảng viên trường Đại học Luật Tp. HCM. Bài viết đã phân tích vô cùng cặn kẽ, sắc bén các quy định pháp lý hiện hành để đưa ra kết luận cho câu hỏi trên.

    1. Về việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị:
    Theo cơ chế phân chia quyền lực trong công ty cổ phần, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) là cơ quan quyền lực cao nhất, ĐHĐCĐ sẽ lập ra cơ quan quản lý là Hội đồng quản trị (HĐQT) và cơ quan kiểm soát là Ban kiểm soát, còn HĐQT sẽ lập ra cơ quan điều hành công ty là GĐ/TGĐ.

    Theo cơ chế đó, ĐHĐCĐ có thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, Kiểm soát viên (Điều 135.2.c – Luật DN 2014). Việc lựa chọn nhân sự và trao cho chức năng quản lý công ty là vấn đề thuộc nền tảng trong quản trị công ty nên chỉ có cơ quan có quyền lực cao nhất là ĐHĐCĐ có mới thẩm quyền quyết định. Điều lệ hay quy chế quản trị nội bộ của công ty cũng không thể quy định khác Luật.

    Do vậy, khi thành viên HĐQT có đơn xin từ nhiệm, theo quy trình, đơn từ nhiệm này sẽ gửi lên cho HĐQT, sau đó HĐQT phải triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường (nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 156 LDN 2014…) hoặc các trường hợp khác thì phải chờ đến kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất để xem xét miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của thành viên đó. Trong trường hợp này, HĐQT không có quyền đơn phương chấp thuận đơn từ nhiệm và miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT. Đến trước khi Nghị quyết của ĐHĐCĐ về miễn nhiệm thành viên HĐQT có hiệu lực, thành viên có đơn xin từ nhiệm đó vẫn là thành viên HĐQT của công ty và vẫn phải thực hiện đầy đủ các bổn phận pháp lý với tư cách là một thành viên HĐQT.

    Chỉ có trường hợp không cần chờ Nghị quyết về việc miễn nhiệm của ĐHĐCĐ thì thành viên HĐQT đó cũng sẽ mất tư cách thành viên, đó là đối với thành viên độc lập Hội đồng quản trị (áp dụng đối với mô hình có thành viên độc lập) đương nhiên không còn là thành viên độc lập Hội đồng quản trị kể từ ngày không đáp ứng đủ điều kiện của thành viên độc lập quy định tại Điều 151.2 Luật DN 2014 (Điều 151.3). HĐQT phải thông báo trường hợp thành viên độc lập Hội đồng quản trị không còn đáp ứng đủ điều kiện tại cuộc họp ĐHĐCĐ gần nhất hoặc triệu tập họp ĐHĐCĐ để bầu bổ sung hoặc thay thế thành viên độc lập Hội đồng quản trị đó trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được thông báo của thành viên độc lập Hội đồng quản trị có liên quan.

    Theo quy định tại Điều 26.3.b Điều lệ mẫu ban hành kèm theo Thông tư 95/2017/TT-BTC (hướng dẫn Nghị định số 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng) thì một trong những trường hợp thành viên HĐQT không còn tư cách thành viên HĐQT là có đơn từ chức. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là nếu TV HĐQT có đơn xin từ chức thì đương nhiên không còn tư cách thành viên HĐQT, vì nếu hiểu như vậy thì quy định này của Điều lệ mẫu là trái Luật DN, trong khi đó tại Điều 3 của Thông tư này có quy định: Công ty đại chúng tham chiếu Điều lệ mẫu tại Phụ lục số 01 Thông tư này để xây dựng Điều lệ công ty, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP và quy định pháp luật hiện hành. Cũng tương tự như quy định tại Điều 156.1.c của Luật DN 2014, trường hợp thành viên HĐQT có đơn từ chức chỉ là một trong những lý do bị miễn nhiệm, còn việc có miễn nhiệm hay không thì phải có Nghị quyết của ĐHĐCĐ.

    Về vấn đề này, cần lưu ý là trong khi Điều 156.1.c quy định thành viên HĐQT bị miễn nhiệm trong trường hợp có đơn từ chức, trong khi Điều 169.1.c quy định Kiểm soát viên bị miễn nhiệm trong trường hợp có đơn từ chức và được chấp thuận. Từ đó có quan điểm cho rằng, chỉ có KSV từ chức thì mới cần được chấp thuận (bởi ĐHĐCĐ), còn thành viên HĐQT có đơn từ chức thì đương nhiên không còn là thành viên HĐQT mà không cần có sự chấp thuận của ĐHĐCĐ. Một số vấn đề đặt ra như sau:
    - Một là, Tại sao thành viên HĐQT có đơn từ chức thì đương nhiên không còn là thành viên HĐQT mà không cần có sự chấp thuận của ĐHĐCĐ, trong khi KSV từ chức thì mới cần được chấp thuận của ĐHĐCĐ, trong khi về địa vị pháp lý của các chủ thể này là tương đương nhau trong cơ cấu quản trị công ty cổ phần?
    - Hai là, Điều 135.2.c – Luật DN 2014 quy định ĐHĐCĐ có thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, Kiểm soát viên. Như vậy cả ba vấn đề là bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, Kiểm soát viên đều phải có quyết định của ĐHĐCĐ, trừ trường hợp đương nhiên mất tư cách thành viên độc lập Hội đồng quản trị kể từ ngày không đáp ứng đủ điều kiện của thành viên độc lập quy định tại Điều 151.2 Luật DN 2014 thì mới không cần quyết định của ĐHĐCĐ (điều này xuất phát từ tính chất đặc thù của thành viên độc lập). 
    - Ba là, Nếu thành viên HĐQT chỉ có đơn từ chức và sẽ đương nhiên không còn là thành viên HĐQT, đều này dẫn đến sự rút lui khỏi cơ quan quản lý là quá dễ dàng và tùy tiện, không còn đảm bảo tính kỷ cương, pháp chế.
    - Bốn là, về nguyên tắc chủ thể được bầu ra bởi cơ quan nào thì khi rời khỏi chức vụ cũng phải có quyết định của chính cơ quan đó, không có thể có trường hợp việc bầu cử vào chức vụ được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, phải có Nghị quyết bầu, bổ nhiệm, còn việc rời bỏ chức vụ lại không theo một quy trình nào mà hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí cá nhân.

    Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng, vì khoản 1 Điều 156 chỉ quy định thành viên HĐQT bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây mà không quy định phải theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ, trong khi đó khoản 2 Điều 156 lại quy định thành viên HĐQT có thể bị bãi nhiệm theo nghị quyết của ĐHĐCĐ, do đó có thể hiểu là chỉ đối với trường hợp “bãi nhiệm” thì mới cần theo theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ, còn đối với trường hợp “miễn nhiệm” thì không cần theo Nghị quyết của ĐHĐCĐ. Cách hiểu này có thể chưa chính xác vì:
    - Một là, khoản 1 và khoản 2 Điều 156 chỉ hướng đến phân biệt giữa việc miễn nhiệm và bãi nhiệm thành viên HĐQT. Theo đó, việc miễn nhiệm thường áp dụng khi có những lý do chủ quan (không muốn tiếp tục công việc…), khách quan (bị mất năng lực hành vi dân sự…) dẫn đến thành viên đó không thể đảm nhiệm nhiệm vụ chứ bản thân họ không có vi phạm pháp luật nói chung và nghĩa vụ của người quản lý công ty nói riêng. Còn việc bãi nhiệm thường áp dụng khi thành viên có những vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật khác đến mức phải bãi nhiệm.
    - Hai là, khoản 1 Điều 156 quy định liệt kê các trường hợp bị miễn nhiệm, nghĩa là chỉ khi nào rơi vào các trường hợp liệt kê tại khoản 1 này thì ĐHĐCĐ mới được ra quyết định miễn nhiệm thành viên HĐQT, còn nếu không rơi vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 156, mà thành viên có những vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật khác đến mức phải bãi nhiệm thì khi đó ĐHĐCĐ mới ra Nghị quyết bãi nhiệm thành viên HĐQT.
    - Ba là, khoản 1 Điều 156 quy định liệt kê các trường hợp bị miễn nhiệm, điều đó không có nghĩa là thành viên HĐQT cứ thuộc các trường hợp này là đương nhiên bị miễn nhiệm. Cũng giống như trường hợp quy định tại Điều 201.1: Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây…điều này không có nghĩa là nếu rơi vào một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 201 thì sẽ đương nhiên doanh nghiệp bị giải thể, đó chỉ là điều kiện về lý do, còn doanh nghiệp chỉ chính thức bị giải thể khi đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

     

    Tóm lại: Việc miễn nhiệm hay bãi nhiệm thành viên HĐQT đều phải có cả hai điều kiện:

    (i) Điều kiện cần là phải có lý do như đã phân tích

    (ii) Điều kiện đủ là phải có Nghị quyết của ĐHĐCĐ (trừ tư cách thành viên độc lập Hội đồng quản trị).

    Cần lưu ý thêm là, khác với Luật DN 2005, theo Luật DN 2014, HĐQT có quyền trực tiếp bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT (Điều 149.2.i). Sau khi HĐQT bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT, người này vẫn còn tư cách thành viên HĐQT, vì HĐQT chỉ có quyền bãi nhiệm chức vụ chủ tịch chứ không có quyền bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT, tư cách thành viên HĐQT của người này do ĐHĐCĐ quyết định.

     

    2. Về việc bổ nhiệm thành viên mới của Hội đồng quản trị:
    Trước kia, theo quy định tại Điều 11.1 Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Trong trường hợp một thành viên bị mất tư cách thành viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty, bị cách chức hoặc vì một lý do nào đó không thể tiếp tục làm thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng quản trị có thể bổ nhiệm người khác thay thế. Thành viên Hội đồng quản trị thay thế trong trường hợp này phải được biểu quyết thông qua tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất”. Quy định này cũng được ghi nhận tại Điều 11.3 Thông tư  121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng. Tuy nhiên, các văn bản này đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, và Nghị định 71 đã bãi bỏ các quy định này.

    Do đó, theo pháp luật hiện hành, HĐQT KHÔNG CÓ QUYỀN bổ nhiệm người khác thay thế thành viên HĐQT bị mất tư cách thành viên, do đó việc bổ nhiệm (hay nói đúng hơn là bầu) thành viên HĐQT trong mọi trường hợp chỉ thuộc về ĐHĐCĐ – cơ quan quyền lực cao nhất của công ty. Một trong những lý do khi các văn bản pháp luật trước đó quy định HĐQT có quyền bổ nhiệm người khác thay thế thành viên bị mất tư cách thành viên là nhằm “chữa cháy”, tạm thời tìm người mới thay thế thành viên bị mất tư cách, giúp cho HĐQT không bị khuyết thành viên quá lâu, bởi lẽ việc triệu họp ĐHĐCĐ không phải là công việc dễ dàng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu ĐHĐCĐ gần nhất lại không bầu/không chấp nhận thành viên tạm thời này thì các Nghị quyết của HĐQT được thông qua khi thành viên này tham gia biểu quyết sẽ giải quyết như thế nào và hàng loạt vấn đề pháp lý khác phát sinh...Ngoài ra để đảm bảo nguyên tắc phân chia quyền lực trong công ty cổ phần, không thể có trường hợp chính cơ quan quản lý lại tự bầu ra thành viên cho cơ quan mình, điều này dẫn đến tính không khách quan, đồng thời ảnh hưởng đến quyền làm chủ của cổ đông.

     

    Tóm lại, thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT trong mọi trường hợp thuộc về ĐHĐCĐ, do vậy khi chưa có Nghị quyết của cơ quan này về chấp thuận miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT, thì dù thành viên này đã có đơn từ nhiệm thì người đó vẫn còn tư cách thành viên HĐQT và vẫn phải thực hiện đầy đủ các quyền hạn và trách nhiệm với tư cách là một thành viên HĐQT. Cũng tương tự, đối thành viên HĐQT mới phải được bầu bởi ĐHĐCĐ theo phương thức do điều lệ công ty quy định./.

     

     
    18636 | Báo quản trị |  
    4 thành viên cảm ơn lanbkd vì bài viết hữu ích
    nv_quang (26/10/2022) CNTGROUP (24/12/2020) tienphat6868 (13/12/2019) btsc (25/11/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #538688   11/02/2020

    Xin cám ơn chia sẻ của Th. sĩ Từ Thanh Thảo và Thư viện pháp luật. Tuy nhiên, em xin hỏi theo Điều 26 của Điều lệ Mẫu được ban hành kèm theo Thông Tu 95/2017/TT-BTC có quy định TV HĐQT không còn tư cách TV HĐQT trong trường hợp có đơn từ chức;

    Vậy kính mong thư viện pháp luật trả lời hộ nếu TV HĐQT có đơn từ nhiệm thì có đương nhiên mất tư cách TV HĐQT không?

    Xin trân trọng cám ơn

     

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn TAMHANG vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (12/02/2020)