Ngày 23/9/2024, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn 4452/BLÐTBXH-CTE về thực hiện quy định pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/9/25/CV-4452-BL%C3%90TBXH-CTE.pdf Công văn 4452/BLĐTBXH-CTE
Công văn 4452/BLĐTBXH-CTE có nêu rõ, tại khoản 2 Điều 42 Luật Trẻ em 2016 có quy định Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia trợ giúp, chăm sóc trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ về đất đai, thuế, tín dụng cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tại khoản 12 Điều 6 Luật Trẻ em 2016 cũng nghiêm cấm các hành vi lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.
(1) Thanh tra toàn diện các mái ấm tình thương trên cả nước
Cụ thể, tại Công văn 4452/BLÐTBXH-CTE có nêu rõ, trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo địa phương tổ chức thực hiện quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Hằng năm, Bộ cũng có những văn bản hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác trẻ em gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Trong đó, có nội dung tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, kiểm tra hoạt động các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em và chế độ thông tin, báo cáo về công tác trẻ em theo quy định.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số cơ sở trợ giúp xã hội chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Đặc biệt là những vi phạm pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em của Mái ấm Hoa Hồng tại địa chỉ L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh gây bức xúc dư luận xã hội thời gian gần đây.
Theo đó, nhằm bảo đảm quyền trẻ em, thực hiện tốt Luật Trẻ em 2016 và các quy định của pháp luật có liên quan về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, bạo hành và xâm hại trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương, UBND các cấp triển khai thực hiện các nội dung như sau:
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập có thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn, bảo đảm việc tuân thủ các quy định của Luật Trẻ em 2016 và các quy định của pháp luật có liên quan
Đồng thời, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, tự phát, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định.
- Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương có giải pháp bảo đảm các cơ sở trợ giúp xã hội sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục (24h/24h) việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội; chia sẻ, cập nhật dữ liệu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em với các cơ quan có thẩm quyền trong việc giám sát, bảo vệ các quyền trẻ em tại cơ sở.
- Triển khai thực hiện tốt Nghị định 110/2024/NĐ-CP nhằm xây dựng mạng lưới nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp đề tăng cường phòng ngừa, chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội và tại cộng đồng.
(2) Trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em
Căn cứ Điều 51 Luật Trẻ em 2016 có quy định về trách nhiệm trong việc cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em như sau:
- Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.
- Cơ quan LĐ-TB&XH, cơ quan công an các cấp và UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.
- Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.
Theo đó, hiện nay, mọi cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân đều có trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em theo quy định như đã nêu trên.