Thanh tra đột xuất là gì? Thanh tra đột xuất có cần công bố quyết định thanh tra không?

Chủ đề   RSS   
  • #617188 07/10/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1168)
    Số điểm: 19973
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 399 lần
    SMod

    Thanh tra đột xuất là gì? Thanh tra đột xuất có cần công bố quyết định thanh tra không?

    Thanh tra đột xuất là hình thức thanh tra được thực hiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vậy thanh tra đột xuất có cần công bố quyết định thanh tra không?

    Thanh tra đột xuất là gì?

    Theo khoản 1 Điều 2 Luật Thanh tra 2022 quy định thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

    Theo Điều 46 Luật Thanh tra 2022 quy định về hình thức thanh tra bao gồm:

    - Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất.

    - Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch thanh tra đã được ban hành.

    - Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.

    Như vậy, thanh tra đột xuất là hình thức thanh tra được tiến hành khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Hình thức này có thể được thực hiện theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao. 

    Thanh tra đột xuất có cần công bố quyết định thanh tra không?

    Theo Điều 59 Luật Thanh tra 2022 quy định về ban hành quyết định thanh tra như sau:

    - Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 Luật Thanh tra 2022 ban hành quyết định thanh tra.

    - Quyết định thanh tra bao gồm các nội dung sau đây:

    + Căn cứ ra quyết định thanh tra;

    + Phạm vi, nội dung, đối tượng, thời kỳ thanh tra, nhiệm vụ thanh tra;

    + Thời hạn thanh tra;

    + Thành lập Đoàn thanh tra, bao gồm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu có), thành viên khác của Đoàn thanh tra.

    - Đối với cuộc thanh tra theo kế hoạch, quyết định thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra và công bố chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thanh tra trực tiếp.

    - Đối với cuộc thanh tra đột xuất, quyết định thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra và công bố trước khi tiến hành thanh tra trực tiếp, trừ trường hợp sau đây:

    Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm cần phải tiến hành thanh tra ngay thì việc công bố quyết định thanh tra có thể được thực hiện sau khi lập biên bản về hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra; trường hợp đối tượng thanh tra cố tình vắng mặt thì Trưởng đoàn thanh tra lập biên bản có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và tiếp tục thực hiện thanh tra theo kế hoạch.

    Như vậy, khi thanh tra đột xuất thì phải công bố quyết định thanh tra trước khi tiến hành thanh tra trực tiếp.

    Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra?

    Theo Điều 8 Luật Thanh tra 2022 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra bao gồm:

    - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; lạm quyền trong quá trình tiến hành thanh tra.

    - Thanh tra không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt.

    - Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải tiến hành thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

    - Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra.

    - Tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai.

    - Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra.

    - Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.

    - Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người tiến hành thanh tra, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.

    - Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

    Như vậy, những hành vi quy định trên là hành vi bị cấm trong hoạt động thanh tra.

     
    100 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    Xmen-8711 (07/10/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận