Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Quy định về quản lý con dấu của doanh nghiệp:
Điều 6 Nghị định 58/2001/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 31/2009/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu quy định: Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình.
Mục III Thông tư liên tịch 07/2002/TTLT-BCA-BTCCBCP hướng dẫn Nghị định 58/2001/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu quy định:
“Con dấu phải để tại trụ sở cơ quan, tổ chức và phải được quản lý chặt chẽ. Trong trường hợp thật cần thiết do yêu cầu cần phải giải quyết công việc ở nơi xa trụ sở cơ quan, tổ chức thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức quyết định việc mang dấu ra ngoài và chịu trách nhiệm về việc sử dụng con dấu trong thời gian mang ra khỏi cơ quan, tổ chức đó”.
Như vậy, con dấu của doanh nghiệp phải được lưu giữ tại trụ sở của doanh nghiệp và được quản lý chặt chẽ bởi người đứng đầu doanh nghiệp (người đại diện theo pháp luật).
Trường hợp người đại diện theo pháp luật muốn giao dầu cho người khác (là nhân viên công ty chẳng hạn) thì phải có văn bản cụ thể (có thể bằng việc quy định trong các văn bản quy chế quản lý nội bộ hoặc bằng quyết định cụ thể).
2. Xử phạt vi phạm hành chính đối với việc quản lý con dấu
Nghị định 155/2013/NĐ - CP quy định xử phạt vphạm hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư có quy định: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ các tài liệu và con dấu tại trụ sở chính theo quy định của pháp luật.
Bạn cần chú ý để không vi phạm quy định của pháp luật về chế độ quản lý và lưu giữ con dấu của công ty mình nhé.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn và công ty sức khỏe.
Trân trọng./.