Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên

Chủ đề   RSS   
  • #577452 29/11/2021

    jacktran159
    Top 500
    Lớp 4

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:20/03/2021
    Tổng số bài viết (248)
    Số điểm: 5148
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 238 lần


    Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên

    Ngày 29/11, TANDTC tổ chức Hội thảo tham vấn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên, để tạo nền tảng pháp lý cho đề xuất Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên trong thời gian tới.

    Tư pháp đối với người chưa thành niên - Minh họa

    Tư pháp đối với người chưa thành niên - Minh họa

    PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC và TS. Nguyễn Trí Tuệ, PCA TANDTC dự và đồng chủ trì Hội thảo.

    Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; đại diện các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành ở trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Đại học Luật Hà Nội…

    Về phía các tổ chức quốc tế, đại sứ quán tại VN tham trực tiếp và trực tuyến tại 04 điểm cầu (Nhật Bản, Australia, Mỹ, Thái Lan); ông Edagawa Mitsushi, Chuyên gia JICA tại VN; bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICCEF tại Việt Nam; ông Jonathan Gandomi, Điều phối viên Chương trình Thực thi Pháp luật và Tư pháp Hình sự, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc củng cố hệ thống tư pháp người chưa thành niên, và có nhiều quy định đặc biệt dành cho người chưa thành niên theo các luật điều chỉnh hệ thống tư pháp hành chính và hình sự. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một luật toàn diện, chuyên biệt để tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống tư pháp vị thành niên riêng và khác biệt. Thay vào đó, các biện pháp xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên (hành chính và hình sự) vẫn nằm rải rác ở nhiều luật và văn bản dưới luật, dẫn đến sự phân tán và thách thức trong việc thực thi hiệu lực và hiệu quả. Việc đưa ra một luật mới để hợp nhất và thay thế tất cả các quy định pháp luật hiện hành về tư pháp người chưa thành niên sẽ giải quyết được tình trạng manh mún này.

    Ở bình diện quốc tế, qua nghiên cứu cho thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có hệ thống pháp luật về người chưa thành niên. Tùy từng quốc gia mà hệ thống pháp luật này có sự khác nhau. Pháp luật về người chưa thành niên được thể hiện theo hai hình thức cơ bản:

    Một là, theo truyền thống, nhiều quốc gia giải quyết các quyền của người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp bằng cách quy định một chương riêng về xử lý người chưa thành niên trong Bộ luật Hình sựLuật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không hiệu quả vì nó chỉ mang lại những sửa đổi nhỏ đối với các hệ thống và quy trình được thiết kế chủ yếu cho người lớn.

    Hai là, các quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc củng cố hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên và cũng là xu hướng phổ biến hiện nay là ban hành một đạo luật toàn diện về tư pháp cho người chưa thành niên (22 quốc gia và vùng lãnh thổ). Được biết mới đây nhất, tại Pháp đã ban hành Bộ luật tư pháp Hình sự cho trẻ em vị thành niên có hiệu lực từ ngày 30/9/2021.

    Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tham gia nhiều văn kiện quốc tế về quyền trẻ em, để từng bước thực hiện những cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ trẻ em trong nước, phù hợp với xu hướng phát triển chung và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế thì việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật tư pháp người chưa thành niên cũng là một trong những nhiệm vụ cần hướng đến trong thời gian tới.

    Thời gian vừa qua, TANDTC đã nghiên cứu chế định này, đến nay bước đầu đã dự thảo được đề cương “Luật Tư pháp người chưa thành niên”. Tuy nhiên, để dự thảo phù hợp với pháp luật Việt Nam và chuẩn mực quốc tế, TANDTC tổ chức Hội thảo “Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên”. Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các ý kiến góp ý của các chuyên gia là nguồn tư liệu quan trọng cho TANDTC trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên vào năm 2022.

    Đồng phát biểu khai mạc, ông Edagawa Mitsushi, Chuyên gia JICA nhấn mạnh, việc xây dựng một Luật Tư pháp người chưa thành niên riêng biệt mà phía TANDTC Việt Nam dự thảo luật là một bước tiến quan trọng và là một giải pháp hết sức hiệu quả để có thể đảm bảo được những quyền lợi của người chưa thành niên. Hội thảo này là một cơ hội để cho các chuyên quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời giúp cho phía Việt Nam hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, để đảm bảo tính hiệu quả của văn bản pháp luật này trước khi được thông qua trong thời gian tới.

    Phân tích về sự phát triển và nhận thức của trẻ chưa thành niên, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICCEF tại Việt Nam chia sẻ, Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc đã yêu cầu các quốc gia thành viên sẽ phải thành lập một hệ thống tư pháp riêng biệt dành cho người chưa thành niên mà trong đó giới thiệu những quy định đặc biệt có cách tiếp cận phù hợp với sự phát triển của những người chưa thành niên khi vi phạm pháp luật.

    Tại Hội thảo, để có cơ sở góp ý đề xuất dự thảo Luật phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, cũng như để các cơ quan, tổ chức Quốc tế góp ý phù hợp với thông lệ quốc tế, đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đã trình bày Đề cương “Luật Tư pháp người chưa thành niên” với 05 phần, 126 điều gồm: những quy định chung; biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên; xử lý hình sự đối với người chưa thành niên; tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; điều khoản thi hành.  

    Cũng tại Hội thảo, để có góc nhìn tổng quan hơn về đề cương mà Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đã đề xuất, các chuyên gia tham dự từng nghiên cứu nhiều năm nay về vấn đề này đã lần lượt cho ý kiến cụ thể đối với đề cương để có thêm định hướng cần nghiên cứu, về phạm vi dự án luật cần điều chỉnh.

    Cùng với đó, để hiểu rõ và thêm nhiều nguồn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên, hội nghị đã được nghe những chia sẻ của chuyên gia đến từ Nhật Bản, Australia, Mỹ về quy định tư pháp người chưa thành niên và những khuyến nghị cho đề cương mà Việt Nam đề xuất.

    Nói về sự cần thiết phải xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, PGS.TS. Đỗ Thị Phượng, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên là hoàn toàn phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng vả Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và giáo dục, xử lý người chưa thành niên; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp, phù hợp với tình hình kính tế - xã hội của đất nước; đảm bảo sự kế thừa những yếu tố truyền thống hợp lý; tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài; bảo đảm phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em và người chưa thành niên, phù hợp với xu hướng chung của các nước và thế giới. Việc có một đạo luật về tư pháp người chưa thành niên là một tư tưởng tiến bộ, nhân đạo, giúp cho việc giải quyết các vụ việc đối với người chưa thành niên được nhanh chóng và đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

    Việc nghiên cứu, ban hành xây dựng một đạo luật luôn gặp những rào cản, thách thức nhất định về kỹ thuật lập pháp, về nguồn lực, về kinh phí…việc sớm ban hành kế hoạch thực thi pháp luật và lộ trình triển khai sẽ mang lại những hiệu quả như thế nào đã được ông Lucio Valerio Sarandrea, Chuyên gia tư pháp người chưa thành niên, Văn phòng Unicef khu vực Đông Nam Á Thái Bình Dương chia sẻ một cách chi tiết.

    Phát biểu kết luận, PGS, TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC đánh giá hội thảo là một chương trình thiết thực, hữu ích, các chuyên gia tham dự đều mang đến trách nhiệm cao đối với tư pháp người chưa thành niên.

    Qua các ý kiến của các chuyên gia có thể thấy rất cần thiết phải xây dựng đạo luật về người chưa thành niên, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên. Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao các ý kiến phát biểu, tham luận, các sáng kiến của các quốc gia có tính chất gợi mở, sáng tạo. Trong thời gian tới Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị cơ quan tham mưu tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh phù hợp với tình hình và mong muốn các đại biểu tiếp tục đóng góp các ý kiến để dự thảo sớm có thể trình ra Quốc hội.

    Mai Đỉnh

    Theo báo Congly

     
    428 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn jacktran159 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (30/11/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #577692   30/11/2021

    mibietchi
    mibietchi
    Top 500
    Chồi

    Vietnam --> Hà Tĩnh
    Tham gia:25/05/2014
    Tổng số bài viết (148)
    Số điểm: 1190
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 67 lần


    Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên

    Việc xây dưng đạo luật riêng về người chưa thành niên là rất cần thiết tại Việt Nam trong thực tiễn hiện nay. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của internet và đặc biệt là mạng xã hội, giới trẻ đặc biệt là người chưa thành niên tiếp xúc với môi trường internet độc hại cũng nhiều hơn. Việc chưa đủ tâm lý và năng lực hành vi dân sự dễ dẫn tơi các hành vi vi phạm pháp luật. Độ tuổi vi phạm pháp luật cũng ngày càng trẻ hóa. Việc có đạo luật riêng điều chỉnh đối tượng này hi vọng sẽ khiến tỷ lệ tội phạm ở độ tuổi này giảm xuống.

     
    Báo quản trị |