Khi nào viên chức được thay đổi chức danh nghề nghiệp? Ai có thẩm quyền thực hiện việc thay đổi chức danh nghề nghiệp cho viên chức?
1/ Các trường hợp thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì “Thay đổi chức danh nghề nghiệp là việc viên chức được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp khác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đang đảm nhiệm”.
Căn cứ quy định tại Điều 29 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (có cụm từ “thi hoặc” bị bãi bỏ bởi Điểm c Khoản 38 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP) thì viên chức được thay đổi chức danh nghề nghiệp trong những trường hợp sau:
- Xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác tương ứng cùng mức độ phức tạp công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm.
- Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.
- Xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn tương ứng với chức danh được công nhận, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
2/ Thẩm quyền thực hiện việc thay đổi chức danh nghề nghiệp cho viên chức
Căn cứ Khoản 3 Điều 30 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định “Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp theo thẩm quyền phân cấp”.
Căn cứ Khoản 2 Điều 41 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định trường hợp viên chức đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo bản sao các văn bản chứng minh về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đặc cách của viên chức này gửi đến người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức xem xét, quyết định.
Tại Khoản 1 Điều 42 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định trường hợp viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được danh sách viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền hoặc người được phân cấp, ủy quyền phải thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương ở chức danh nghề nghiệp mới đối với viên chức trúng tuyển theo quy định.
Theo đó,
- Thẩm quyền xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp bao gồm:
+ Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi viên chức làm việc quyết định
+ Hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi viên chức làm việc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp theo thẩm quyền phân cấp.
- Thẩm quyền xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xác định là:
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền hoặc người được phân cấp, ủy quyền phải thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương ở chức danh nghề nghiệp mới đối với viên chức trúng tuyển theo quy định.
- Thẩm quyền xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp được xác định là:
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi viên chức làm việc gửi tài liệu xét thăng hạng đặc cách của viên chức theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, gửi người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức xem xét, quyết định.
Như vậy, tùy vào từng trường hợp thay đổi chức danh nghề nghiệp mà thẩm quyền bổ nhiệm, thực hiện thay đổi chức danh nghề nghiệp cho viên chức là khác nhau. Việc viên chức được thay đổi chức danh nghề nghiệp khi có quyết định bổ nhiệm.