Theo quy định pháp luật hiện hành về khai thác tài nguyên nước thì cơ quan nào cấp lại giấy phép khai thác tài nguyên nước và trong trường hợp nào thì phải cấp lại giấy phép sẽ được làm rõ tại bài viết sau.
Khi nào phải cấp lại giấy phép khai thác tài nguyên nước?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 54/2024/NĐ-CP thì Giấy phép khai thác tài nguyên nước được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
+ Giấy phép bị mất, bị rách nát, hư hỏng;
+ Tên của chủ giấy phép đã được cấp bị thay đổi do đổi tên, nhận chuyển nhượng, bàn giao, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức nhưng không có sự thay đổi các nội dung khác của giấy phép.
Trường hợp cấp lại do chuyển nhượng, bàn giao, sáp nhập, chia tách thì bên nhận chuyển nhượng, bàn giao, sáp nhập, chia tách phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép.
Theo đó, nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì người đọc cần xin cấp lại giấy phép. Thời hạn ghi trong giấy phép được cấp lại là thời hạn còn lại theo giấy phép đã được cấp trước đó.
Thẩm quyền cấp lại giấy phép khai thác tài nguyên nước
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị định 54/2024/NĐ-CP thì thẩm quyền cấp lại giấy phép khai thác tài nguyên nước được quy định như sau:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp lại giấy phép khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp:
+ Thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 3.000 m³/ngày đêm trở lên;
+ Khai thác nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 3.000 m³/ngày đêm trở lên;
+ Hồ chứa, đập dâng thủy lợi khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có quy mô khai thác từ 2 m³/giây trở lên và có dung tích toàn bộ từ 3 triệu m³ trở lên hoặc hồ chứa, đập dâng thủy lợi khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có quy mô khai thác từ 5 m³/giây trở lên;
+ Công trình khai thác nước mặt khác hồ chứa, đập dâng thuỷ lợi để cấp cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có quy mô khai thác nước từ 5 m³/giây trở lên;
+ Hồ chứa, đập dâng thủy lợi không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản này có dung tích toàn bộ từ 20 triệu m³ trở lên;
+ Khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kw trở lên;
+ Khai thác nước mặt cho các mục đích khác có quy mô từ 50.000 m³ /ngày đêm trở lên;
+ Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền có quy mô khai thác từ 1.000.000 m³/ngày đêm trở lên;
+ Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan (trừ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện) có tổng chiều dài hạng mục công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch từ 60 m trở lên. Đối với cống ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan có tổng chiều rộng thông nước từ 50 m trở lên.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp lại giấy phép khai thác tài nguyên nước với các trường hợp có quy mô khác quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 54/2024/NĐ-CP; tổ chức đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều 8 của Nghị định 54/2024/NĐ-CP.
Theo đó, căn cứ vào quy mô của từng dự án mà chủ thể có thẩm quyền cấp lại giấy phép khai thác tài nguyên nước bao gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy, căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện, nguồn lực, điều kiện thực tế và tình hình cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 54/2024/NĐ-CP theo quy định tại Điều 34 của Luật Tổ chức Chính phủ 2015; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 54/2024/NĐ-CP theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 để cấp lại giấy phép khai thác tài nguyên nước.