"Tết à?, có chi mô..."
Một cảnh đời mẹ già nuôi 6 đứa con "nửa dại nửa khôn" ở
vùng nghèo miệt huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với cảnh Tết Nguyên đán mỗi năm về chỉ
là có thêm... vài miếng thịt lợn.
Đã là những ngày cuối cùng của năm cũ nhưng cả gia đình bà Cỏn (xóm 9,
xã Kỳ Đồng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chưa chuẩn bị được cái gì cho ngày cái Tết Kỷ Sửu.
Tất cả 7 miệng ăn đang chờ vào tiền của đứa con gái đi làm thuê trong Nam về.
Chưa năm nào cả nhà bà có được cái Tết cho đúng nghĩa của nó. Ngày Tết
đối với bà Cỏn và mấy đứa con chẳng qua là được ăn thêm… ít miếng thịt lợn (!)
Nhà 6 người con, 3 đứa “dại dại”
Đến xã Kỳ Đồng trong những ngày cận kề Tết, hỏi thăm nhà bà Nguyễn Thị Cỏn không
ai là không biết, vì gia đình bà khá "nổi tiếng" bởi cái sự nghèo. Bà
Cỏn về đây làm dâu năm 1978, đến năm 1994, vì quá nghèo nên người chồng đã phải
tha phương cầu thực tận trong miền Nam, rồi gặp phải tai nạn, không bao
giờ về
nữa.
Từ đó, một mình bà chỉ với ruộng nương nuôi đàn con 6 đứa lớn lên.
Khi hay tin chồng mất, bà đau khổ lắm nhưng rồi không biết làm sao để
đưa được xác anh về chỉ vì quá nghèo, đàn con thì đang dại. Bà đành đợi…! Đến
năm 2000 (5 năm sau) bà mới đưa được chồng về với quê hương với sự giúp đỡ của
người thân và hàng xóm.
Lúc tìm đến gia đình bà cũng đúng là ngày giỗ lần thứ 4 của đứa con đầu lòng
của bà. “Nuôi được đàn con lớn lên tưởng được nhờ lúc về già thì đứa con đầu
lòng “khôn ngoan” lại bỏ tôi đi khi 25 tuổi. Cũng vì nghèo túng và không hiểu
biết, tôi đã mất đứa con chỉ vì hóc 1 hột (hạt- tiếng địa phương - NV)
lạc” - bà Cỏn ngậm ngùi.
Trong 6 người con của bà thì 3 người con trai lớn lên bình thường, những đứa
con gái thì “không được khôn ngoan lắm”. Đứa con gái đầu, tên Nguyễn Thị Tý năm
nay đã 23 tuổi rồi, cái tuổi mà những người mẹ có thể gả con về nhà chồng.
Nhưng Tý có lớn mà không có khôn. Không thể đi học, không làm được gì giúp mẹ,
bà Cỏn đành cho Tý đi ở với người bà con ở gần đó.
“Không mong con được trả công, chỉ làm sao cho nó không bị đói là được
rồi", bà Cỏn nói.
Đứa con gái thứ 4 - Nguyễn Thị Trúc, năm nay 21 tuổi thì có khôn
hơn cô chị nhưng cũng chỉ học tới lớp 4 vì cái sự nghèo, không đủ điều kiện để
đi học tiếp. Lớn lên, Trúc xin mẹ theo mấy người bạn đi vào Đà Lạt làm thuê để
giúp mẹ và nuôi mình.
Trong 3 người con gái “dở dở ương ương” của bà Cỏn thì chỉ còn Nguyễn Thị Viêm,
19 tuổi là đang ở với bà. Viêm chỉ giúp mẹ được một số việc vặt trong nhà,
ngoài ra không thể làm được gì. Hỏi thăm thì Viêm chỉ biết cười.
Anh cả mất, người con trai thứ 2 là Nguyễn Văn Lực thực sự được bà Cỏn hy vọng
vì Lực có sức khỏe và cũng khá “khôn ngoan”. Nhưng chỉ học hết lớp 2 nên Lực
không thể làm được việc gì ngoài cày ruộng giúp mẹ. Thỉnh thoảng đi làm thuê ở
thành phố nhưng rồi không đủ sống, Lực lại về quê.
6 người con thì đứa con út, em Nguyễn Tiến Song, 14 tuổi là được học nhiều
nhất. Nhưng lúc chúng tôi đến thì cũng hay tin em đã bỏ học được 1 tháng rồi.
Năm nay là năm thứ 3 em theo học lớp 6.
Chán nản vì học không được và nhà lại không có điều kiên, Song quyết
định bỏ học.
"Tết à?, ... có chi mô"
Cả một đời vất vả nuôi đàn con, đến nỗi người đàn bà này không thể nhớ chính
xác tuổi của mình và đàn con. Khi chúng tôi hỏi đến tuổi của từng người trong
nhà, bà phải chạy đi tìm cuốn sổ hộ khẩu, dò từng cái tên để nhớ ra năm sinh,
tháng đẻ. Khuôn mặt khắc khổ của bà Cỏn trông già hơn nhiều so với cái tuổi 50
của mình.
Thương cảm cho hoàn cảnh mẹ góa nuôi 6 đứa con dại, bà con và người thân
đã giúp xây cho mẹ con bà Cỏn 1 căn nhà để che nắng che mưa. Căn nhà chỉ rộng
khoảng 30m² nhưng trống hoác.
Trong nhà, tài sản đáng giá nhất là 2 chiếc giường mà anh em của bà cho
và... 3 tạ lúa. Cái sập dùng để đựng mấy tạ lúa mà mẹ con bà vất vả quanh năm
làm được cũng là nơi đặt chiếc bàn thờ của người con trai đầu xấu số.
Nhắc đến tết, bà Cỏn lại cười. Có lẽ bà cười cho cái sự nghèo nàn của mình vì không
lo nổi tết cho mấy đứa con. Nhìn cái cách bà cười, lại thấm thía hơn câu định
nghĩa "tận cùng của khổ đau là nụ cười, tận cùng của hạnh phúc là nước
mắt".
“Mấy chục năm rồi, tôi và mấy đứa con chưa khi nào có cái tết cho ấm
cúng. Năm ngoái, được ông Châu cán bộ xã cho 50 nghìn, tôi mua được 1,5kg
thịt lợn. Tết với nhà tôi là thế, được ăn thịt lợn nhiều hơn ngày bình
thường một tý”, bà Cỏn kể.
“Tết năm nay à?, đã có chi mô chú. Dành dụm được ít tiền mới lo được cái
giỗ cho “thằng sơ” (con đầu đã mất - NV) rồi. Trong người bây giờ không có nổi
một đồng. Vài bữa nữa con Trúc nó đi làm thuê về, chắc là cũng có ít nhiều, lúc
đó mới dám nghĩ đến Tết chú à”, bà Cỏn ngậm ngùi.
Việc sắm quần áo Tết cho con đối với bà là không tưởng. Bởi bà làm
gì có tiền, những người con của bà cũng hiểu và thương mẹ nên không đòi hỏi
được như con của người khác. Bà dự định ngoài khoản tiền đứa con gái làm thuê
mang về, bà sẽ mượn thêm một ít tiền nữa để mua thức ăn về cho mấy đứa con.
“Cả năm làm được 7 tạ lúa nhưng ăn và bán mất 4 tạ rồi. Còn 3 tạ nữa để dành
lúc khó khăn hơn, không bán mà ăn tết được. Tiền mượn để sắm Tết rồi ra năm,
thằng con trai thứ 2 của tôi sẽ đi làm thuê để trả nợ”, bà tính toán.
Chỉ vài ngày nữa là đêm Giao thừa tết Nguyên đán Kỷ Sửu đã về. Trong khi mọi
người trong trong làng ngoài xóm của bà đang tấp nập đi sắm Tết thì bà Cỏn vẫn
mải miết trông chờ vào đứa con gái đi làm thuê tít trong Nam mãi vẫn chưa kịp
về...