Tên hội chợ có được phép chứa từ ngữ quảng bá chất lượng hàng hóa sắp đưa ra hội chợ không?

Chủ đề   RSS   
  • #616233 11/09/2024

    katkumhat
    Top 75
    Lớp 4

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/08/2020
    Tổng số bài viết (856)
    Số điểm: 5799
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 87 lần


    Tên hội chợ có được phép chứa từ ngữ quảng bá chất lượng hàng hóa sắp đưa ra hội chợ không?

    Khi tổ chức hội chợ thương mại (sau đây gọi tắt là hội chợ) thì thông thường sẽ có tên hội chợ, chủ đề hội chợ để mọi người có thể biết đến hội chợ sẽ có những mặt hàng gì, có hoạt động gì,... Vậy thì theo quy định pháp luật việc đặt tên cho hội chợ, chủ đề hội chợ cần lưu ý những gì?

    Tên hội chợ có được phép chứa từ ngữ quảng bá chất lượng hàng hóa sắp đưa ra hội chợ không?

    Vấn đề sử dụng tên, chủ đề của hội chợ, triển lãm thương mại được quy định rõ tại Điều 25 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, trong đó có đề cập đến một số yêu cầu khi đặt tên hoặc chủ đề cho hội chợ như sau:

    Thứ nhất, thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại khi tổ chức hội chợ có quyền chọn tên, chủ đề hội chợ. Tên, chủ đề hội chợ không được trái pháp luật, trái với đạo đức, phong tục, tập quán, thuần phong, mỹ tục của Việt Nam.

    Thứ hai, nếu như tên, chủ đề của hội chợ có sử dụng những từ ngữ để quảng bá chất lượng, danh hiệu của hàng hóa, dịch vụ tham gia hội chợ thì thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại khi tổ chức hội chợ phải có bằng chứng chứng minh chất lượng, danh hiệu của hàng hóa, dịch vụ tham gia hội chợ phù hợp với tên, chủ đề của hội chợ đã đăng ký.

    Ngoài ra, quy định này cũng có đề cập ngoài việc được phép sử dụng những từ ngữ để quảng bá chất lượng, danh hiệu của hàng hóa, dịch vụ thì cũng có thể quảng bá uy tín, danh hiệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ với điều kiện là thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại khi tổ chức hội chợ phải có bằng chứng chứng minh uy tín, danh hiệu của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân tham gia hội chợ phù hợp với tên, chủ đề của hội chợ đã đăng ký.

    Như vậy, theo quy định thì tên hội chợ được phép chứa từ ngữ nhằm quảng bá chất lượng hàng hóa sắp đưa ra hội chợ miễn sao có bằng chứng chứng minh chất lượng hàng hóa phù hợp với tên hội chợ đã đăng ký.

    hoi-cho-thuong-mai

    Theo quy định hiện nay thì đăng ký tổ chức hội chợ thế nào?

    Khi đăng ký tổ chức hội chợ cần lưu ý:

    - Thương nhân tổ chức hội chợ tại Việt Nam (không bao gồm các hoạt động hội chợ trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định) hoặc tổ chức cho thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ tại nước ngoài (không bao gồm các hoạt động hội chợ trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định) phải thực hiện thủ tục hành chính đăng ký tổ chức hội chợ với Sở Công Thương nơi tổ chức đối với hội chợ tại Việt Nam hoặc Bộ Công Thương đối với hội chợ ở nước ngoài.

    - Thương nhân được lựa chọn một trong các cách thức đăng ký sau:

    + Nộp 01 hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện đến Sở hoặc Bộ Công Thương.

    + Nộp 01 hồ sơ đăng ký trực tiếp tại trụ sở Sở hoặc Bộ Công Thương.

    + hoặc Sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

    - Thời hạn đăng ký (căn cứ theo ngày nhận ghi trên vận đơn bưu điện hoặc các hình thức có giá trị tương đương trong trường hợp gửi qua đường bưu điện, căn cứ theo ngày ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp hoặc căn cứ theo ngày ghi nhận trên hệ thống trong trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến):

    + Tối đa (sớm nhất) 365 ngày và tối thiểu (chậm nhất) 30 ngày trước ngày khai mạc đối với hội chợ tại Việt Nam;

    + Tối đa (sớm nhất) 365 ngày và tối thiểu (chậm nhất) 45 ngày trước ngày khai mạc đối với hội chợ ở nước ngoài.

    - Hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ bao gồm:

    + 01 Đăng ký tổ chức hội chợ theo Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP;

    + 01 Bản sao không cần chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập hoặc các quyết định khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật.

    - Nội dung đăng ký tổ chức hội chợ, bao gồm:

    + Tên, địa chỉ của thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại tổ chức hội chợ;

    + Tên, chủ đề hội chợ (nếu có);

    + Thời gian, địa điểm tổ chức hội chợ;

    + Quy mô dự kiến của hội chợ;

    + Việc tổ chức trưng bày hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; việc tổ chức cấp giải thưởng, chứng nhận chất lượng, danh hiệu của hàng hóa, dịch vụ, chứng nhận uy tín, danh hiệu của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân tham gia hội chợ; việc tổ chức hội chợ với danh nghĩa của tỉnh, thành phố hoặc danh nghĩa quốc gia Việt Nam.

    - Sở hoặc Bộ Công thương trả lời xác nhận hoặc không xác nhận bằng văn bản việc đăng ký tổ chức hội chợ trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ. Trong trường hợp không xác nhận thì Sở (Bộ) sẽ nêu rõ lý do.

    - Trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc hội chợ, thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại phải có văn bản theo Mẫu số 14 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về kết quả việc tổ chức hội chợ theo những nội dung đã đăng ký và được xác nhận.

    - Hội chợ được tổ chức tại Việt Nam phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu sau:

    + Hàng hóa tại hội chợ phải được trưng bày, giới thiệu trong các gian hàng tiêu chuẩn (kích thước 3mx3m) hoặc khu vực tương đương với nhiều gian hàng tiêu chuẩn;

    + Có đầy đủ các dịch vụ phục vụ gồm: Điện, nước, an ninh, vệ sinh.

    Xem chi tiết quy định về việc đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại được quy định tại Điều 29 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.

     
    22 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận