Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức sản xuất có bắt buộc in hoa?

Chủ đề   RSS   
  • #614603 28/07/2024

    Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức sản xuất có bắt buộc in hoa?

    Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức sản xuất có bắt buộc in hoa? Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa là ngôn ngữ nào? Hàng hóa dạng rời không có bao bì thương phẩm cần thể hiện thông tin gì?

    1. Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức sản xuất có bắt buộc in hoa?

    Căn cứ Điều 11 Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Theo đó, tên hàng hóa trên nhãn được quy định như sau:

    - Tên hàng hóa phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trên nhãn hàng hóa. Chữ viết tên hàng hóa phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa.

    - Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tự đặt. Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa.

    - Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

    Như vậy, tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức sản xuất không bắt buộc in hoa, chỉ cần các đáp ứng các điều kiện như phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc; phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa.

    2. Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa là ngôn ngữ nào?

    Căn cứ Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP. Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa được quy định như sau:

    (i) Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt, trừ hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước và trừ trường hợp quy định tại khoản (iv) Mục này.

    (ii) Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản (i) Mục này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

    (iii) Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

    (iv) Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh:

    - Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt. 

    - Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất, dược chất, tá dược, thành phần của thuốc.

    - Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa. 

    - Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất hàng hóa.

    Như vậy, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt trừ các trường hợp khác. Đồng thời, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác nhưng phải tương ứng nội dung tiếng Việt, kích thước chữ không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

    3. Hàng hóa dạng rời không có bao bì thương phẩm cần thể hiện thông tin gì?

    Căn cứ Điều 19 Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Hàng hóa có bao bì đóng gói đơn giản, hàng hóa dạng rời là phụ gia thực phẩm, hóa chất, không có bao bì thương phẩm để bán trực tiếp cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân bán hàng phải công khai các thông tin sau để người tiêu dùng nhận biết:

    - Tên hàng hóa.

    - Hạn sử dụng.

    - Cảnh báo an toàn (nếu có).

    - Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa.

    - Hướng dẫn sử dụng.

    Như vậy, hàng hóa dạng rời không có bao bì thương phẩm thì phải có các thông tin quan trọng giúp người tiêu dùng nhận biết và đảm bảo thông tin khi sử dụng.

    Tóm lại, tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức sản xuất không bắt buộc phải in hoa. Tuy nhiên phải đảm bảo các yêu cầu liên quan khi sản xuất.

     
    38 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận