Những ngày qua nhiều thương hiệu taxi lớn và có tiếng như Mai Linh, Vinasun, Vanataxi Sài Gòn ghi nhận nhiều trường hợp khách hàng đặt taxi của các hãng này nhưng không phải xe chính hãng tới rước và giá thì lại cao ngất ngưỡng.
Đến khi khiếu nại lên tổng đài thì họ mới biết các số điện thoại và xe có màu chỉ là gần giống với hãng chứ không trực thuộc các công ty vận chuyển này. Qua đó, họ mới biết rằng mình đã bị lừa, tuy nhiên do số tiền bị lừa không đáng kể nên nhiều người không trình báo lên cơ quan chức năng xử lý. Vậy, hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?
Nghiêm cấm xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng
Căn cứ khoản 3 Điều 13 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN nghiêm cấm các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng sau thì bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:
Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhãn hiệu nổi tiếng thì cần phải đánh giá khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hoặc về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Trường hợp không có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ nhưng gây ấn tượng sai lệch cho người tiêu dùng về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Theo quy định trên thì đối với những taxi trá hình đã thực hiện hành vi sử dụng số điện thoại gần giống các hãng nổi tiếng và sơn màu xe tương tự nhằm đánh vào thói quen của khách hàng và thực hiện hành vi lừa đảo.
Mức phạt hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng
Cá nhân có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP như sau:
(1) Phạt cảnh cáo hoặc phạt 500.000 đồng - 02 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây vì mục đích kinh doanh giá trị dịch vụ vi phạm đến 03 triệu đồng:
- Buôn bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp.
- Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
(2) Phạt tiền từ 02 triệu đồng - 250 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 03 triệu đồng - 500 triệu đồng.
(3) Phạt tiền từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa.
Ngoài ra, buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm.
Lưu ý: đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự cá nhân thì mức phạt tiền gấp 02 lần.
Như vậy, đối với những cá nhân đang hoạt động dịch vụ vận chuyển chui mà có hành vi mạo danh các hãng taxi lớn có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đến 20 triệu đồng và buộc thay đổi các yếu tố vi phạm đến tên doanh nghiệp. Việc ngăn chặn hành vi này còn khá khó khăn vì đa phần những đối tượng vi phạm đều hoạt động bằng xe ô tô cá nhân và có tính tự phát cao.