Tình huống đặt ra là công ty cổ phần muốn tăng vốn điều lệ, nhưng không muốn nhận tiền mặt mà sẽ thông qua tài sản hiện hữu nhằm có thể sử dụng ngay. Vậy việc này được thực hiện như thế nào?
Quan điểm của mình thì trường hợp là công ty cổ phần đang hoạt động thì việc tăng vốn điều lệ được quy định tại Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020 với các hình thức như sau:
- Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
- Chào bán cổ phần riêng lẻ;
- Chào bán cổ phần ra công chúng.
Theo đó, nếu công ty đang hoạt động thì việc tăng vốn điều lệ được thực hiện thông qua việc chào bán cổ phần theo các hình thức nêu trên. Thủ tục Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và Chào bán cổ phần riêng lẻ được hướng dẫn tại Điều 124 và Điều 125 của văn bản trên. Thủ tục tăng vốn với cơ quan đăng ký kinh doanh thì có thể thực hiện theo hướng dẫn tại đây.
Đối với vấn đề góp vốn trong quá trình hoạt động bằng tài sản không phải là tiền, tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 có hướng dẫn việc định giá như sau:
3. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Theo đó, hội đồng quản trị và người góp vốn sẽ thỏa thuận với nhau về giá trị hoặc thông qua một tổ chức định giá. Căn cứ vào giá trị định giá để xác định giá trị tài sản có nhu cầu góp vốn nhằm tính giá trị cổ phần bán ra do công ty chào bán.
Sau khi đã xác định được giá trị cụ thể thì hai bên tiến hành lập hợp đồng, ghi nhận giá trị chuyển nhượng, ký tên, đóng dấu. Bên mua sẽ trở thành cổ đông của công ty sau khi được ghi tên vào sổ đăng ký cổ đông. Còn công ty sẽ làm thủ tục sang tên (nếu thuộc diện tài sản đăng ký) để ghi nhận quyền sở hữu/sử dụng của mình.