Tòa án Nhân dân Tối cao vừa ban hành Văn bản số 01/2021/GĐ-TANDTC vào ngày 01/07/2021 để giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại tòa án. Trong đó, nhiều đề nghị của các tòa án cấp dưới đã được TAND Tối cao giải đáp chi tiết bao gồm cả các vấn đề liên quan đến thủ tục ly hôn.
Vấn đề đầu tiên là khi tiến hành hòa giải tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Hòa giải viên có phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên không?. Căn cứ Khoản 4 Điều 33 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không quy định việc buộc phải lấy ý kiến của con chưa thành niên trong quá trình Hòa giải viên tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, Hòa giải viên có thể lấy ý kiến của con chưa thành niên để hiểu được nguyện vọng của con, từ đó có phương án hòa giải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thêm đó, Hòa giải vụ việc ly hôn có phải là thủ tục bắt buộc theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không?. Căn cứ Khoản 1 Điều 3 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:“Các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải tự nguyện hòa giải, đối thoại”.Điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: các bên có quyền đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại.
Chính vì vậy có thể xác định tự nguyện là nguyên tắc trong hòa giải, đối thoại và hòa giải vụ việc ly hôn theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được tiến hành theo sự tự nguyện của các bên, không phải là thủ tục bắt buộc.
Việc các bên có thể hòa giải luôn được xem là yếu tố khuyến khích trong vụ việc ly hôn nhằm giúp hai bên hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng đang bên bờ vực thẳm. Bên cạnh đó, thủ tục hòa giải đồng thời cũng giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của các bên so với hình thức giải quyết vụ án ly hôn tại Tòa án.