Hộp đen ô tô còn có tên gọi khác là hộp đen định vị GPS, là thiết bị giám sát hành trình. Đây là thiết bị được gắn trên các loại xe ô tô để lưu trữ tất cả mọi thông tin về chuyến hành trình của chiếc xe khi lưu thông trên đường.
Theo đó, hộp đen đóng vai trò quan trọng trong quá trình tham gia giao thông, vậy pháp luật quy định như thế nào về việc lắp đặt hộp đen trên ô tô, nếu hộp đen không hoạt động thì tài xế xe ô tô sẽ bị xử lý thế nào?
Trước tình trạng hàng loạt các doanh nghiệp lắp định vị xe ô tô một cách đối phó, không đạt chuẩn, Bộ giao thông vận tải đã ban hành thông tư về quy chuẩn kỹ thuật của hộp đen xe tải giám sát hành trình QCVN 31:2014/BGTVT. Theo đó:
- Hộp đen xe tải là thiết bị điện tử lắp trên xe ô tô để ghi, lưu trữ và truyền, phát các thông tin liên quan đến hành trình xe một cách liên tục. Hộp đen xe tải phải đạt được các yêu cầu kỹ thuật cơ bản như:
- Thông báo trạng thái hoạt động: Tình trạng sóng, tình trạng hoạt động, tình trạng đăng nhập, xuất của các lái xe… tín hiệu thông báo phải được hiển thị bằng đèn hoặc màn hình.
- Ghi nhận thay đổi lái xe: Phải lưu trữ được các dữ liệu về tình trạng thay đổi lái xe, thời gian lái xe… và lưu ở máy chủ.
- Chức năng cảnh báo đối với lái xe: Nếu lái xe lái liên tục 4 giờ đồng hồ phải cảnh báo 5 phút/ lần; cảnh báo quá tốc độ; cảnh báo đường cấm, đường ngược chiều…
- Lắp đặt hộp đen xe tải: hộp đen phải được lắp ở vị trí để lái xe có thể quan sát được đèn báo trạng thái hoạt động của thiết bị, phía trên mặt bảng điều khiển của lái xe phải có đầy đủ các bộ phận: Cổng kết nối, hướng dẫn sử dụng…
- Bảng hướng dẫn sử dụng hộp đen xe tải phải có đầy đủ các thông tin: Số điện thoại, địa chỉ của nhà cung cấp hộp đen xe tải; thao tác đăng xuất, đăng nhập của lái xe; trạng thái hoạt động của thiết bị qua tín hiệu, báo hiệu; thao tác kết nối máy tính với hộp đen giám sát hành trình xe.
Xử phạt vi phạm quy định về lắp đặt hộp đen ô tô
Căn cứ theo quy định tại Điểm c Khoản 5 và Điểm a Khoản 9 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ:
Phạt tiền từ 03-05 triệu đồng, đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa có gắn thiết bị giám sát hành trình của xe nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:
Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm c khoản 2; điểm b khoản 3; điểm b, điểm c khoản 4; khoản 5; điểm a, điểm b, điểm d khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
Căn cứ theo quy định tại Điểm đ Khoản 8 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, cụ thể:
Phạt tiền từ 05-06 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện hành vi vi phạm sau đây:
- Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định phương tiện phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô
Ngoài ra, Điểm e, Khoản 3, Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP còn quy định:
Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ:
Đối với những hành vi vi phạm mà cùng được quy định tại các điều khác nhau của Chương II Nghị định này, trong trường hợp đối tượng vi phạm trùng nhau thì xử phạt như sau:
- Các hành vi vi phạm quy định về lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe ô tô quy định tại Điều 23 (điểm g, điểm p khoản 5; điểm đ khoản 6), Điều 24 (điểm a, điểm c khoản 3; điểm c khoản 5) và các hành vi vi phạm tương ứng quy định tại Điều 28 (điểm đ, điểm o khoản 6), trong trường hợp cá nhân kinh doanh vận tải là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì bị xử phạt theo quy định tại các điểm, khoản tương ứng của Điều 28 Nghị định.
Như vậy, trường hợp chủ phương tiện của xe ô tô có hộp đen không hoạt động đồng thời là người điều khiển thì chỉ bị xử phạt đối với lỗi của chủ phương tiện. Khi đó, mức phạt tiền là từ 05-06 triệu đồng.
Đối với hành vi vi phạm này, tài xế xe ô tô sẽ không bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe nhưng sẽ bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có) đối với xe vi phạm.