Bảo lãnh Chính phủ là bảo lãnh có tính pháp lý cao nhất tại Việt Nam và cam kết bảo lãnh Chính phủ được thực hiện dưới hình thức thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc văn bản bảo lãnh.
Hiện nay, các chương trình, dự án đầu tư được bảo lãnh Chính phủ thực hiện theo Nghị định 15/2011/NĐ-CP. Qua quá trình thực hiện, tồn tại những thiếu sót nhất là các quy định hiện tại chưa đảm bảo đủ để kiểm soát các khoản vay.
Nắm được tình hình đó, Chính phủ đang dự thảo Nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, thay thế Nghị định 15/2011/NĐ-CP. Theo đó, có một số điểm cần lưu ý như sau:
Điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ với vay vốn thực hiện chương trình, dự án đầu tư
- Đáp ứng các điều kiện tương ứng nêu tại Điều 34 của Luật Quản lý nợ công về chương trình, dự án, người vay, người phát hành trái phiếu và khoản vay khoản phát hành trái phiếu quốc tế đối với các doanh nghiệp vay vốn thực hiện chương trình, dự án đầu tư.
- Đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ theo quy định.
- Đã đăng ký kế hoạch cấp bảo lãnh cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu trong năm kế hoạch.
- Người vay, người phát hành trái phiếu là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định pháp luật.
Doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về hoạt động, về quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán theo quy định pháp luật.
- Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư vay vốn được Chính phủ bảo lãnh phải có vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư và phải đảm bảo đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo tiến độ thực hiện Dự án đối với các hạng mục phải chi từ vốn chủ sở hữu, khi quyết toán công trình hoàn thành dự án phải đảm bảo đủ vốn chủ sở hữu đã đăng ký khi nộp hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh.
- Doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án đầu tư phải đảm bảo hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh chính phủ.
- Các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu phải nằm trong hạn mức bảo lãnh chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
- Có phương án tài chính dự án khả thi, có hệ số trả nợ bình quân trong 5 năm đầu dự án tối thiểu là 0,9 đối với các dự án có hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc 1 đối với các dự án khác theo Biểu phí bảo lãnh chính phủ nêu tại Phụ lục 1 của Nghị định này.
- Trước khi cấp bảo lãnh chính phủ, doanh nghiệp phải có văn bản cam kết trong thời hạn Thư bảo lãnh có hiệu lực:
Chỉ được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cổ phần hoặc vốn góp của các tổ chức, cá nhân Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài khi đã hoàn thành việc thanh toán toàn bộ nghĩa vụ nợ cho người cho vay (người nhận bảo lãnh) đối với khoản nợ còn lại tương ứng với tỷ lệ cổ phần dự kiến chuyển nhượng và thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính.
Các tổ chức và cá nhân sở hữu cổ phần hoặc vốn góp từ 5% vốn điều lệ thực góp trở lên phải cùng nhau cam kết bằng văn bản nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ thực góp trong suốt thời gian bảo lãnh có hiệu lực (nhóm cổ đông chính). Doanh nghiệp đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ phải đăng ký danh sách các cổ đông, cá nhân góp vốn nói trên cho Bộ Tài chính tại thời điểm cấp bảo lãnh chính phủ.
Tài sản thế chấp phải đảm bảo 120% nghĩa vụ được Chính phủ bảo lãnh
Tài sản thế chấp để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của người được bảo lãnh với Bộ Tài Chính có thể là tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn chủ sở hữu của dự án hoặc các tài sản và các quyền hợp pháp khác của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có liên quan đến dự án vay vốn được Chính phủ bảo lãnh để đảm bảo 120% nghĩa vụ được Chính phủ bảo lãnh.
Nghị định này dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2016.
Xem thêm các nội dung tại dự thảo Nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ tại file đính kèm.
Cập nhật bởi nguyenanh1292 ngày 07/09/2015 04:56:02 CH