Tải phần mềm lậu để sử dụng liệu có bị phạt?

Chủ đề   RSS   
  • #611445 11/05/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 136 lần


    Tải phần mềm lậu để sử dụng liệu có bị phạt?

    Bỏ tiền mua bản quyền phần mềm luôn là chủ đề được chú ý hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên việc sử dụng phần mềm lậu không còn quá xa lạ gì đối với một số bộ phận trong lĩnh vực máy tính, công nghệ. Việc tải phần mềm lậu để sử dụng như vậy liệu có bị phạt?

    Hiện nay với tốc độ phát triển của công nghệ 4.0, các sản phẩm phần mềm công nghệ cao ra đời liên tục nhằm phục vụ nhu cầu học tập và làm việc của con người. Tuy nhiên, vì để tiết kiệm chi phí mua bản quyền, nhiều người sử dụng cách bẻ khóa tải các phần mềm lậu để sử dụng, liệu việc sử dụng phần mềm lậu như thế có vi phạm pháp luật không?

    (1) Phần mềm lậu là gì? Tải phần mềm lậu để sử dụng liệu có bị phạt?

    Phần mềm lậu

    Phần mềm máy tính hay chương trình máy tính là lệnh, mã, lược đồ hoặc bất cứ những gì mang tính chỉ dẫn mà máy tính có thể đọc, dùng để thực hiện một công việc và sản sinh một kết quả cụ thể (căn cứ khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)

    Đối với phần mềm lậu, mặc dù trong Luật sở hữu trí tuệ 2005 chưa định nghĩa chi tiết khái niệm này nhưng có thể hiểu phần mềm lậu (hay còn được gọi là phần mềm Crack hay phần mềm đã bẻ khóa) là phần mềm trả phí bị can thiệp bằng các thủ thuật trở nên miễn phí một cách trái phép.

    Tải phần mềm lậu để sử dụng liệu có bị phạt?

    Phần mềm hay chương trình máy tính là một trong các đối tượng được bảo hộ tại Việt Nam, dù thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy thì phần mềm vẫn sẽ được bảo hộ như tác phẩm văn học theo quy định tại khoản 1 Điều 14 và khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

    Điều này có nghĩa là tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả của chương trình máy tính có quyền thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính đó (căn cứ khoản 6 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022)

    Sử dụng phần mềm lậu tức là sử dụng chương trình máy tính mà không có sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu. Điều này bao gồm việc sao chép, phân phối, cài đặt hoặc sử dụng phần mềm mà không tuân thủ các quyền và điều kiện được quy định bởi tác giả hoặc chủ sở hữu.

    Như vậy, phần mềm là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, việt sử dụng phần mềm lậu là sử dụng các phần mềm mà chưa có sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu, đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu chế tài xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ.

    (2) Mức phạt khi tải và sử dụng phần mềm lậu

    Việc sử dụng phần mềm lậu là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu chế tài theo Luật Sở hữu trí tuệ. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của tác giả và chủ sở hữu, đồng thời khuyến khích sự phát triển công bằng và bền vững của ngành công nghiệp phần mềm trong đất nước.

    Xử phạt hành chính

    Khi tải và sử dụng phần mềm lậu, cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP như sau:

    Căn cứ tại Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.

    Cá nhân vi phạm:

    Cá nhân có hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng và buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm (theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)

    Trong trường hợp cá nhântruyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng và buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm (theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)

    Tổ chức vi phạm:

    Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, Khung phạt trên là khung phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng phần mềm lậu tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan. 

    Theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định với tội xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan cụ thể là như sau:

    Cá nhân vi phạm:

    Trong trường hợp cá nhân có hành vi sử dụng hoặc phân phối phần mềm lậu thu lợi từ 50 triệu – dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại đến chủ sở hữu từ 100 – dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt 50 triệu – 300 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

    Đối với hành vi phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều hơn 02 lần hoặc thu lợi trên 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu trên 500 triệu đồng sẽ bị phạt 300 triệu đồng đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    Ngoài ra trong một số trường hợp, cá nhân vi phạm  còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Tổ chức vi phạm:

    Tổ chức có hành vi sử dụng hoặc phân phối phần mềm lậu thu lợi  từ xâm phạm từ 200 triệu đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu từ 300 triệu đến dưới 500 triệu đồng. Pháp nhân đã từng bị xử phạt hành chính hoặc kết án tội này mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

    Trong trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều hơn 02 lần hoặc thu lợi trên 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu trên 500 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm. 

    Ngoài ra tổ chức còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

    Như vậy, nếu bị phát hiện sử dụng phần mềm lậu, người sử dụng có thể phải đối mặt với các hình phạt hành chính như xử phạt tiền, tịch thu phần mềm không hợp pháp và thiệt hại gây ra hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, chủ sở hữu phần mềm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và yêu cầu ngừng sử dụng phần mềm không hợp pháp.

    Tóm lại, sử dụng phần mềm lậu là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm sẽ có mức phạt khác nhau. Thay vì tải phần mềm lậu, người dùng nên xem xét việc sử dụng các tùy chọn hợp pháp để đảm bảo an toàn như mua bản quyền phần mềm hay sử dụng dịch vụ phần mềm có tính phí.

     
    640 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận