Gia đình hòa thuận, vui vẻ là mơ ước của bao người, tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan, chủ quan mà một số những cặp vợ chồng sẽ đi đến quyết định ly hôn. Trường hợp đơn phương ly hôn của người vợ, người chồng không phải hiếm, thế nhưng vẫn còn nhiều quy định mà người dân chưa thực sự nắm rõ. Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
(1) Vợ/chồng có được đơn phương ly hôn không?
Theo quy định tại Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì hiện nay pháp luật cho phép vợ, chồng được phép ly hôn theo yêu cầu của một bên, cụ thể:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
(2) Hồ sơ ly hôn đơn phương
Khi đã đủ điều kiện theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người có mong muốn đơn phương ly hôn cần chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục sau:
- Đơn xin ly hôn đơn phương (Mẫu 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP (sửa đổi bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP)
Xem và tải Mẫu đơn xin ly hôn đơn phương
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/01/23/mau-don-don-phuong-ly-hon.docx
- Bản sao công chứng CMND/CCCD còn hiệu lực của nguyên đơn
- Bản sao giấy khai sinh của con
- Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
- Bản sao tài sản chung yêu cầu phân chia khi ly hôn
- Các giấy tờ tài liệu liên quan khác (ví dụ: đơn trình bày nguyện vọng nuôi con, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trong trường hợp có tranh chấp tài sản),…).
(3) Làm thủ tục ly hôn bằng giấy đăng ký kết hôn bản sao được không?
Theo như quy định thì để ly hôn cần chuẩn bị hồ sơ có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc) nhưng nếu bị mất Giấy đăng ký kết hôn bản gốc thì có thể thực hiện thủ tục xin cấp trích lục bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân nơi trước đây đã thực hiện việc đăng ký kết hôn.
Xem và tải mẫu tờ khai cấp lại Giấy đăng ký kết hôn
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/01/23/Mau-don-xin-cap-lai-giay-dang-ky-ket-hon.docx
Trình tự thủ tục xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn như sau:
Đầu tiên để được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì bạn phải thỏa các điều kiện tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
- Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.
- Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.
Theo đó, nếu như bạn đáp ứng được các điều kiện trên bạn tiến hành chuẩn bị hồ sơ và thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kết hôn theo quy định Điều 27 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, bao gồm:
- Hồ sơ đăng ký lại kết hôn gồm các giấy tờ sau:
+ Tờ khai theo mẫu quy định;
+ Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây. Nếu không có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đăng ký lại kết hôn là đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký lại kết hôn như trình tự quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Luật Hộ tịch.
Nếu việc đăng ký lại kết hôn thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký kết hôn trước đây thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký kết hôn trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký kết hôn, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại kết hôn như quy định tại Khoản 2 Điều này.
- Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn trước đây và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch. Trường hợp không xác định được ngày, tháng đăng ký kết hôn trước đây thì quan hệ hôn nhân được công nhận từ ngày 01 tháng 01 của năm đăng ký kết hôn trước đây."
Như vậy, khi bị mất giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mà muốn ly hôn thì cần phải làm thủ tục xin cấp lại đăng ký kết hôn để có thể có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ cho việc ly hôn và nộp tại Ủy ban nhân dân nơi đăng ký kết. Sau đó, bạn có thể làm thủ tục ly hôn tại hướng dẫn dưới đây.
(4) Thủ tục ly hôn đơn phương
Căn cứ theo các quy định tại Điều 191, 195, 196, 197, 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trình từ đơn phương ly hôn thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người bị yêu cầu ly hôn.
Bước 2: Sau khi nhận đơn ly hôn đơn phương, Tòa án thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán sẽ thông báo thụ lý vụ án bằng văn bản cho nguyên đơn và bị đơn. Đồng thời, phân công thẩm phán thụ lý vụ án.
Bước 4: Tham dự các buổi hòa giải và công khai chứng cứ tại Tòa án
Bước 6: Mở phiên tòa sơ thẩm giải quyết ly hôn đơn phương.
Bước 7: Thẩm phán ban hành bản án giải quyết thủ tục ly hôn đơn phương.
Trên đây là hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục đơn phương ly hôn và một số giải đáp vướng mắc về việc dùng giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản gốc trong thủ tục ly hôn.