Hôm nay, ngày 26-12, TAND TP.HCM bắt đầu xét xử vụ cựu phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín và 4 đồng phạm giao đất vàng 15 Thi Sách cho Vũ 'nhôm'. Trong phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa cho biết có một số tài liệu mật chưa được giải mật nên những người tham gia tố tụng thận trọng khi sử dụng. Vì thế, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo có ý kiến về việc giải mật một số tài liệu mật có trong hồ sơ vụ án để đảm bảo việc xét xử vụ án, tránh mất thời gian.
Qua đây, hẳn nhiều người thắc mắc trường hợp nào tài liệu mật sẽ được giải mật?
Trước khi tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên, chúng ta cần biết pháp luật hiện nay quy định như thế nào về các loại tài liệu mật. Theo quy định taij Điều 2 Thông tư 33/2015/TT-BCA hướng dẫn thực hiện Nghị định 33/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành thì tùy thuộc mức độ quan trọng của bí mật nhà nước, mức độ thiệt hại nếu tin, tài liệu bí mật nhà nước bị tiết lộ mà chia thành các loại tài liệu sau:
- Bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật: là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói (sau đây gọi tắt là tài liệu, vật mang bí mật nhà nước) có nội dung đặc biệt quan trọng thuộc danh mục bí mật nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành, chỉ phổ biến đến người có trách nhiệm và nếu bị tiết lộ sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Bí mật nhà nước thuộc độ Tối mật: là những tài liệu, vật mang bí mật nhà nước có nội dung rất quan trọng thuộc danh mục bí mật nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành, chỉ phổ biến đến những người và đơn vị liên quan và nếu bị tiết lộ sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng cho lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Bí mật nhà nước thuộc độ Mật: là những tài liệu, vật mang bí mật nhà nước có nội dung quan trọng thuộc danh mục bí mật nhà nước do Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định ban hành, nếu bị tiết lộ sẽ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xong, một khi việc bảo vệ bí mật đó không cần thiết đặt ra nữa hay trường hợp cần phải công khai bí mật thì vấn đề giải mật được đặt ra. Theo đó, giải mật tài liệu, vật mang bí mật nhà nước được hiểu là xóa bỏ độ mật đã được xác định của tài liệu, vật mang bí mật nhà nước. Theo quy định hiện hành, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước sẽ tự động giải mật trong các trường hợp được quy định tại Khoản 6 Điều 12 Thông tư 33/2015/TT-BCA như sau:
Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước sẽ tự động giải mật trong các trường hợp sau:
a) Đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị;
b) Công bố trên phương tiện thông tin đại chúng;
c) Đăng Công báo;
d) Niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị hoặc tại các địa điểm khác;
e) Các hình thức công bố công khai khác.
Sau khi tài liệu, vật mang bí mật nhà nước tự động được giải mật, văn thư có trách nhiệm đóng dấu giải mật theo quy định.
|
Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 3 Thông tư 33/2015/TT-BCA, vào quý I hàng năm, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức mình đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt ban hành; trường hợp thấy danh mục không còn phù hợp, cần thay đổi độ mật, cần giải mật hoặc xác định những nội dung mới cần được bảo mật, thì làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục bí mật nhà nước hoặc thay đổi độ mật, giải mật danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức mình.