Hiện nay, việc tách sổ hộ khẩu diễn ra khá phổ biến và thực hiện theo quy định của Luật cư trú. Tuy nhiên khi thực hiện tách khẩu cũng xuất hiện nhiều trường hợp chủ hộ bất hợp tác, gây khó khăn cho người cần tách hộ khẩu. Vì vậy, tìm hiểu quy định pháp luật để giải quyết vấn đề là cần thiết.
1. Căn cứ pháp lý:
- Luật Cư trú 2006;
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP;
- Thông tư 35/2014/TT- BCA.
2. Thủ tục tách sổ hộ khẩu
- Điều kiện: Khoản Điều 27 Luật cư trú 2006 quy định: Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm: Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu; Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật Cư trú 2006 mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
- Giấy tờ cần xuất trình:
Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ (nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật cư trú 2006).
- Thời gian trả kết quả: Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Trường hợp chủ hộ không đồng ý bằng văn bản về việc tách hộ khẩu và không cho mượn sổ hộ khẩu
Không ít trường hợp chủ hộ gia đình không thực hiện việc điều chỉnh sổ hộ khẩu. Luật cư trú 2006 đã quy định trường hợp nhập hộ khẩu thực hiện theo khoản 3 Điều 25 thì khi tách hộ khẩu phải có sự đồng ý của chủ hộ.
Đối với trường hợp này, điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật cư trú 2006 quy định: Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ”.
Điều 11 Thông tư 35/2014/TT- BCA quy định về xóa đăng ký thường trú như sau: Quá thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú mà đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú theo quy định thì Công an xã, phường, thị trấn nơi có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú lập biên bản, yêu cầu hộ gia đình làm thủ tục xóa đăng ký thường trú.
Tuy nhiên trường hợp này cũng có sổ hộ khẩu để làm thủ tục cấp giấy chuyển khẩu theo Điều 28 Luật cư trú 2006. Nếu chủ hộ tiếp tục gây khó khăn bằng cách không cho mượn sở hộ khẩu thì sẽ có 02 cách giải quyết. Một là, thương lượng, thuyết phục chủ hộ. Hai là, liên hệ với cơ quan quản lý hộ tịch và nhờ họ giải quyết.
- Về trách nhiệm của chủ hộ:
Theo Khoản 8 Điều 10 Thông tư 35/2014/TT- BCA quy định chủ hộ phải tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Về mức xử phạt đối với hành vi nêu trên
Điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định: Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có thể bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Như vậy, hành vi không cho mượn sổ để thực hiện việc tách hộ khẩu của chủ hộ là chưa đúng, có thể bị xử lý theo quy định. Tóm lại, khi gặp trường hợp chủ hộ không hợp tác trong việc tách hộ khẩu thì trước tiên cần thương lượng để tìm kiếm giải pháp. Nếu thương lượng bất thành thì có thể nhờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
Cập nhật bởi DuTiepKhac ngày 16/10/2018 09:40:35 SA
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!