Tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU đến nhóm quy định về thương mại hàng hoá?

Chủ đề   RSS   
  • #610265 04/04/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU đến nhóm quy định về thương mại hàng hoá?

    Ưu đãi thuế:

    Trong khuôn khổ EVFTA, giữa EU và Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99% dòng thuế. Trong đó, EU EU sẽ tiến hành xóa bỏ đến 85,6% dòng thuế (khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu) khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Sau 7 năm EVFTA có hiệu lực, EU sẽ tiếp tục xóa bỏ 99,2% dòng thuế nhập khẩu (chiếm khoảng 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Với 3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU sẽ áp dụng hạn ngạch thuế nhập khẩu là 0%. Có thể thấy hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được xóa bỏ gần 100% biểu thuế ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Đây được xem là mức cam kết cao nhất Việt Nam đạt được khi tham gia vào FTA từ trước đến nay.

    Với hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 48,5% dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu) đối với hàng hóa của EU khi xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Sau 7 năm sẽ xóa bỏ tiếp 91,8% số dòng thuế (khoảng 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU). Và 10 năm sẽ xóa bỏ 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). 1,7% số dòng thuế còn lại sẽ tiến hành xóa bỏ có lộ trình trong vòng 10 năm hoặc áp dụng theo hạn ngạch thuế như cam kết trong WTO.

    Trong đó ngành dệt may là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Với Hiệp định EVFTA, 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Công Thương đối với mặt hàng dệt may, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

    Quy tắc xuất xứ:

    Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA không hoàn toàn mới đối với doanh nghiệp Việt Nam vì được xây dựng dựa trên quy tắc xuất xứ trong Cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) là cơ chế đơn mà EU dành cho các nước kém và đang phát triển (trong đó có Việt Nam). Tuy nhiên, so với các Hiệp định mà Việt Nam tham gia cùng ASEAN, CPTPP hoặc các Hiệp định song phương khác, quy tắc xuất xứ EVFTA có nhiều điểm mới hơn hẳn về cách xác định xuất xứ, cách diễn đạt tiêu chí xuất xứ, cơ chế chứng nhận xuất xứ và cơ chế xác minh xuất xứ. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó của Doanh nghiệp Việt Nam với các rào cản thương mại của các quốc gia cần được quan tâm hơn.

    Quy tắc xuất xứ được quy định tại Nghị định về Xuất xứ hàng hóa đính kèm Hiệp định EVFTA và đã được nội luật hóa tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.

    EVFTA đưa ra khái niệm sản phẩm có xuất xứ: (i) Là các sản phẩm có xuất xứ

    thuần túy từ một bên của Hiệp định theo quy định tại Điều 6; hoặc (ii) Là các sản phẩm có xuất xứ không thuần túy nhưng công đoạn chế biến hoặc gia công chủ yếu được tiến hành ở một bên của hiệp định theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

    Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP nêu rõ việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết.

    Ngoài ra, Tại Điều 3 Hiệp định EVFTA, cộng gộp mở rộng được phép áp dụng đối với (1) một số thủy sản có xuất xứ từ nước ASEAN là đối tác FTA của EU và (2) vải có xuất xứ Hàn Quốc với điều kiện Việt Nam, ASEAN và Hàn Quốc có thư thông báo tới EU về việc áp dụng nguyên tắc cộng gộp mở rộng và đảm bảo hợp tác hành chính trong trường hợp xác minh xuất xứ.

    (1) Đối với mặt hàng thủy sản: cho phép nuôi trồng một số thủy sản từ con giống nhập khẩu chế biến của Việt Nam được phép sử dụng nguyên liệu có xuất xứ ASEAN là đối tác FTA của EU

    (2) Đối với mặt hàng dệt may: được phép sử dụng vải có xuất xứ Hàn Quốc. EVFTA cho phép vải nguyên liệu của Hàn Quốc được coi như vải có xuất xứ để sản xuất hàng dệt may do Hàn Quốc vừa có FTA với EU và vừa có FTA với Việt Nam. Để thực hiện nguyên tắc cộng gộp này, Việt Nam, Hàn Quốc và EU cần thống nhất một số nội dung kỹ thuật và cơ chế xác minh xuất xứ của vải nguyên liệu.

    Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại:

    Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại là một trong những lĩnh vực cam kết có ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của việc triển khai thực thi EVFTA trong lĩnh vực thương mại hàng hóa. Trên thực tế, Việt Nam đã có các cam kết về vấn đề hải quan và tạo thuận lợi thương mại trong khuôn khổ Hiệp định về Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại của WTO (Hiệp định TFA) với các nội dung được xem là tương tự, thậm chí là chi tiết hơn các cam kết trong EVFTA về vấn đề này. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam có quyền khá linh hoạt trong việc lựa chọn thời điểm tuân thủ các cam kết trong Hiệp định TFA thì trong khuôn khổ EVFTA phần cam kết là bắt buộc. Từ góc độ thực thi, việc triển khai các cam kết trong EVFTA về hải quan và tạo thuận lợi thương mại sẽ có tác động trực tiếp và tức thời tới tất cả các hoạt động lưu thông thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU ngay khi EVFTA có hiệu lực.

    Trong EVFTA, chế định về Hải quan và tạo thuận lợi thương mại được quy định tập trung trong Chương 5 của Hiệp định và Chương 20 – Nghị định thư về tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan. Về mặt nội dung, các cam kết trong EVFTA về hải quan và tạo thuận lợi thương mại có thể xếp vào 05 nhóm sau đây:

    Một là, cam kết về những nghĩa vụ cụ thể mà Việt Nam và EU phải thực hiện trong quy trình hải quan. Ví dụ, cam kết liên quan đến giải phóng hàng hóa, hải quan phải cho phép giải phóng hàng trước khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế; cam kết về hàng quá cảnh, chuyển khẩu liên quan đến các biện pháp đảm bảo quyền của người thực hiện thủ tục; cam kết những biện pháp quản lí rủi ro; cam kết về phí, lệ phí không vượt quá chi phí cần thiết hoặc chi phí bỏ ra để thực hiện dịch vụ liên quan; cam kết về Kiểm tra hồ sơ hải quan trước khi hàng lên tàu, v.v..

    Hai là, nhóm cam kết về tạo thuận lợi thương mại. Ví dụ, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, phân biệt đối xử, làm chậm trễ thủ tục; Đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục hải quan; Sử dụng các phương pháp hiện đại (quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan); và Sử dụng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử.

    Ba là, cam kết về minh bạch trong thủ tục hải quan. Công khai các văn bản, quy định, thủ tục, thông tin hành chính và cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện các quyết định hành chính trong thủ tục hải quan.

    Bốn là, hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề hải quan. Là điểm giải đáp thông tin cho doanh nghiệp và Tham vấn định kỳ với đại diện doanh nghiệp giữa cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp.

    Năm là, cam kết về hợp tác hành chính giữa cơ quan hải quan EU và Việt Nam bao gồm các cam kết về hợp tác thực thi Hiệp định và cam kết về hỗ trợ hành chính giữa các cơ quan hải quan.

    Nếu chỉ tính tới các cam kết về nội dung có ảnh hưởng tới pháp luật nội địa, không tính đến nhóm các cam kết thuộc về quyền (Việt Nam có thể lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện) và các cam kết thuộc về phối hợp hành chính giữa các cơ quan hải quan hai Bên (không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nội địa), pháp luật hải quan Việt Nam đã hoàn toàn tương thích với tất cả các nghĩa vụ cam kết trong Chương hải quan và tạo thuận lợi thương mại trừ vấn đề về tiêu chí doanh nghiệp ưu tiên (tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa). Một số nội dung mà pháp luật Việt Nam chưa hoàn toàn tương thích lại nằm trong pháp luật chuyên ngành (liên quan tới các cam kết về phí, lệ phí, về việc sử dụng phương pháp quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan, về hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ phục vụ xuất – nhập khẩu)

    Như vậy, về mặt quy định pháp luật, Việt Nam đã tiệm cận với các tiêu chuẩn về hải quan và tạo thuận lợi thương mại của quốc tế. Do đó, đối với các nghĩa vụ này, khi thực thi EVFTA, về nguyên tắc Việt Nam sẽ không phải điều chỉnh, sửa đổi hay bổ sung bất kỳ nội dung nào của các văn bản pháp luật về hải quan hiện hành

    Mặc dù vậy, cần lưu ý là do được thiết kế dưới dạng các yêu cầu chung (không đi vào các chi tiết cụ thể), một mặt Chương Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại của EVFTA có thể không yêu cầu Việt Nam phải thay đổi hiện trạng pháp luật của mình theo những đòi hỏi chi tiết trong các cam kết, nhưng mặt khác lại đặt ra các mục tiêu về hiệu quả thực thi đối với Việt Nam. Nói cách khác, với cam kết EVFTA trong lĩnh vực này Việt Nam có không gian khá tự do để quyết định các biện pháp thực thi chi tiết về mặt pháp luật nhưng lại bị ràng buộc bởi các mục tiêu về kết quả.

    Ví dụ: Theo cam kết trong khoản 2 Điều 1 EVFTA, Việt Nam có nghĩa vụ bảo đảm rằng các thủ tục hải quan được tiến hành dựa trên các phương pháp quản lý hiện đại và kiểm soát hiệu quả nhằm chống gian lận và bảo vệ thương mại hợp pháp. Như vậy, theo cam kết này, Việt Nam không bị ràng buộc nào về các biện pháp quản lý, kiểm soát cụ thể, do vậy Việt Nam cũng không bị buộc phải thay đổi pháp luật hiện hành liên quan theo hướng cụ thể nào. Tuy nhiên, với cam kết như thế này, Việt Nam luôn luôn phải thực hiện nghĩa vụ theo cam kết EVFTA, để đạt được yêu cầu phương pháp “hiện đại”, “hiệu quả”, kết quả “chống gian lận và bảo vệ thương mại hợp pháp, và khi đạt được rồi thì để duy trì được kết quả này. Nghĩa vụ này, vì thế được xem là nặng nề hơn nhiều so với việc chỉ đơn thuần là đưa các cam kết thành quy định trong các văn bản pháp luật.

    Tương tự, điểm c khoản 1 Điều 3 yêu cầu Việt Nam phải đảm bảo “pháp luật hải quan loại bỏ được các gánh nặng không cần thiết và phân biệt đối xử đối với các chủ thể kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao đồng thời bảo đảm các biện pháp phòng vệ chống lại các hoạt động gian lận, bất hợp pháp gây thiệt hại”. Có thể thấy đây đều là các nghĩa vụ về mục tiêu, đòi hỏi Việt Nam cam kết ở kết quả thực thi cuối cùng thay vì những yêu cầu sửa đổi pháp luật cụ thể.

    Rà soát pháp luật hải quan Việt Nam với các cam kết EVFTA về hải quan và tạo thuận lợi thương mại cho thấy trong tổng thể pháp luật Việt Nam đã cơ bản tương thích với yêu cầu của EVFTA về vấn đề này. Hiện chỉ còn 01 quy định trong pháp luật hải quan là chưa tuân thủ EVFTA (liên quan tới cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận cơ chế doanh nghiệp ưu tiên). Tuy nhiên, cam kết EVFTA trong lĩnh vực này không chỉ yêu cầu về pháp luật mà nhiều trường hợp đòi hỏi hiệu quả thực tế thực thi. Do đó, trong khi về mặt pháp luật, Việt Nam sẽ chỉ phải tiến hành 01 sửa đổi văn bản pháp luật liên quan, trong thực tiễn cải cách thủ tục hải quan và minh bạch hóa các quy định hải quan, Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực cải thiện để có thể thực thi đầy đủ các cam kết trong EVFTA về vấn đề này.

     (Bài viết này được tham khảo từ các nguồn có liên quan, nhằm mục đích cung cấp cho người đọc những thông tin quan trọng về sự tác động của EVFTA đến nhóm quy định về thương mại hàng hoá, bao gồm các nội dung về Ưu đãi thuế; Quy tắc xuất xứ; và Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại).

     
    354 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận